Nỗi lo đường ngang dân sinh
Đời sống - Ngày đăng : 07:42, 08/02/2012
Nhiều đường ngang tự phát
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 15km đường sắt chạy qua 5 quận. Có tổng cộng 27 đường ngang ở các đường này, trong đó 19 đường ngang có gác chắn và đèn tín hiệu, 7 đường ngang có đèn cảnh báo tự động, đặc biệt vẫn còn một đường ngang dân sinh chưa có hệ thống gác chắn. Bên cạnh đó vẫn tồn tại gần 3km đường sắt không có hàng rào chắn, đoạn từ đường Tô Ngọc Vân đến giáp ranh tỉnh Bình Dương.
Một đường ngang dân sinh trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức. |
Có mặt tại khu vực đầu đường Kha Vạn Cân (cách ngã tư Bình Triệu chừng 300m) vào sáng 7-2, chúng tôi chứng kiến một đường ngang tự phát băng qua đường sắt. Dù đã có hệ thống rào chắn khá kiên cố hai bên đường sắt nhưng không ít người dân vẫn cố tình băng qua. Nguyên nhân do đoạn đường này gần chợ nên một số hộ dân sống gần đó đã chui rào băng qua đường sắt để tới chợ nhanh hơn, đỡ mất khoảng 30 phút phải đi vòng.
Còn nhiều hành vi xâm phạm hành lang an toàn đường sắt của người dân như đổ rác, phơi quần áo, trồng rau, nuôi gà, dắt chó đi dạo… Điều đáng nói là nhiều đoạn đường ngang giao cắt với đường sắt không có barie, thậm chí có đoạn không hàng rào chắn. Có mặt tại điểm giao cắt giữa đường sắt với đường Trần Khát Chân (quận Phú Nhuận) đúng lúc đoàn tàu lao tới, chúng tôi ghi nhận dù còi báo động réo vang nhưng một số người vẫn liều mạng phóng xe băng qua. Sát bên đường sắt dọc đường Nguyễn Kiệm có một cái chợ cóc buôn bán khá tấp nập, vị trí này không có gác chắn, người băng qua khá đông.
Cần quy định cụ thể
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP, các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn TP phần lớn đều do sự thiếu ý thức của người dân. Đơn cử, trong năm 2011 đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 4 người, tuy nhiên 2 vụ trong đó là do người dân tự ý băng qua đường sắt.
Trong năm 2012, ngành đường sắt đặt mục tiêu giảm 10% tai nạn giao thông theo kế hoạch của UBND TP, ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Để làm được điều này, Ban ATGT TP sẽ phối hợp với ngành đường sắt, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) cùng chính quyền địa phương nơi có tuyến đường sắt đi qua, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt người dân sống hai bên hành lang đường sắt, chấp hành nghiêm chỉnh quy định ATGT đường sắt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ phát tờ rơi in nội dung Luật Giao thông đường sắt đến tận người dân; phối hợp với ngành đường sắt tiếp tục sửa chữa và củng cố hàng rào dọc tuyến đường sắt. Tại một số đoạn đường ngang giao nhau với đường sắt hiện vẫn có nhiều "nút thắt cổ chai", TP sẽ tiếp tục điều chỉnh, mở rộng, tránh hiện tượng ùn ứ tại các điểm giao nhau.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban ATGT đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lý giải, một trong những thiếu sót cần nhắc đến là cán bộ, nhân viên ngành đường sắt chưa thực hiện nghiêm các quy định ATGT đường sắt trong quá trình hoạt động, bên cạnh sự yếu kém của cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, công tác quản lý của một số địa phương còn lỏng lẻo, việc xử lý vi phạm không bảo đảm tính thường xuyên và chưa đủ sức răn đe; việc quản lý giữa các cơ quan chức năng còn chồng chéo và không gắn chặt với nhau. Vì vậy, Chính phủ và Bộ GTVT cần quy định cụ thể về chức năng và nhiệm vụ của các ngành liên quan, để việc quản lý an toàn đường sắt được thực thi một cách chặt chẽ và hiệu quả.