Dân bức xúc khi nước chưa về
Đời sống - Ngày đăng : 07:38, 08/02/2012
Tại nhiều khu dân cư, người dân vẫn vất vả xoay xở trong tình cảnh không nước sinh hoạt. 21h ngày 7-2, nhiều độc giả sinh sống tại phố Đỗ Quang (phường Trung Hòa, Cầu Giấy), khu Khương Hạ (Thanh Xuân), khu TĐC Trung Hòa, Nhân Chính... gọi điện thoại phản ánh vẫn chưa có nước, gây quá nhiều phiền toái trong sinh hoạt.
Giám đốc Viwaco xin lỗi khách hàng
Về sự cố xảy ra và việc người dân chậm được thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty Viwaco bộc bạch: "Trước mức độ ảnh hưởng khá lớn, trên diện rộng, chúng tôi đã có văn bản gửi đến tất cả UBND xã, phường nơi công ty cung cấp nước. Sau khi gửi văn bản đi, chúng tôi hy vọng chính quyền các địa phương lưu tâm, thông báo đến người dân. Nhưng tiếc rằng có rất nhiều người đã không biết thông tin, bức xúc gọi điện đến công ty. Là người chịu trách nhiệm chính của công ty, tôi thành thật xin lỗi quý khách hàng. Đây là sự cố đầu tiên và bất khả kháng nên chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông của các cơ quan chức năng và người dân". |
Sự cố ống dẫn nước sạch từ sông Đà về nội thành Hà Nội chạy dọc theo Đại lộ Thăng Long tại km 10+900 bị vỡ rạng sáng 4-2 đã làm cho việc cung cấp nước sạch cho hơn 40 nghìn hộ dân của 3 quận bị tê liệt. Đặc biệt sự việc lại xảy ra đúng vào những ngày nghỉ cuối tuần, khi nhu cầu dùng nước lên cao nhất khiến cho nhiều người dân không kịp trở tay. Hơn nữa, phần lớn hộ gia đình sử dụng nguồn nước này đều không hề được thông tin về sự cố mất nước nên họ vẫn vô tư dùng nước. Chỉ tới khi các bể chứa đã cạn khô, người dân mới nháo nhác. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thuộc 2 phường của quận Cầu Giấy, một bộ phận của quận Hoàng Mai và toàn bộ quận Thanh Xuân. Suốt 4 ngày, ai cũng lo lắng vì đợt mất nước này kéo dài mà không được đơn vị chủ quản tổ chức cấp nước bằng xe stec. Sự cố đường ống bị vỡ cũng đã làm cho nhiều trường học ở địa bàn quận Thanh Xuân lao đao. Trường nào có bể ngầm thì phải sử dụng tiết kiệm tối đa, còn không thì phải "nhịn" cả vệ sinh. Nước dùng nấu ăn thậm chí đành phải dùng nước uống tinh khiết. Chiều 7-2, Trường MN Lý Thái Tổ (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) phải cho học sinh nghỉ. Nhiều bệnh viện trên địa bàn cũng chịu tình cảnh tương tự.
Chiều 7-2, trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Na, tổ trưởng tổ dân phố nhà N2F, phường Nhân Chính (Thanh Xuân) vẫn bức xúc nói: Tôi không được ai thông báo về tình hình vỡ đường ống nước nên cũng không biết để thông báo đến các hộ gia đình trong khu dân cư. Đến khi thấy vòi nước trong nhà không có nước chảy, hỏi hàng xóm thì mới biết đường ống dẫn nước về Hà Nội bị vỡ và hàng xóm cũng chỉ biết thông tin này sau khi đọc báo, xem vô tuyến. Tuy nhiên, đến lúc biết thông tin này thì đã muộn vì chúng tôi đã không biết để hạn chế dùng nước trong những ngày trước đó. Trong ngày 6 và 7-2, nhiều hộ dân ở các khu nhà cao tầng quanh đây đều phải xuống bể dự trữ nước dưới sân để múc từng xô nước lên nhà vì bể dự trữ nước của tòa nhà còn quá ít nước, không thể bơm lên các tầng. Nhiều hộ gia đình sống trong các tòa nhà bên cạnh đây cũng phải chia nhau số nước còn lại ít ỏi trong các bể dự trữ để sử dụng. Sự cố lớn như vậy xảy ra mà chúng tôi không được thông báo là một điều vô lý, là việc thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Quả thực, sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của các hộ dân. Nhưng Công ty Viwaco chưa thể hiện với khách hàng đầy đủ trách nhiệm của mình. Đáng lý ra, bên cạnh những lời hứa khắc phục nhanh sự cố, công ty nên huy động tối đa phương tiện chở nước đến những khu đông dân cư nhằm hạ nhiệt tình trạng "khát" trong mấy ngày liên tục. Song đến chiều 7-2, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty Viwaco vẫn biện bạch: Sau khi gửi văn bản đi, chúng tôi hy vọng chính quyền các địa phương lưu tâm, thông báo đến người dân. Nhưng tiếc rằng có rất nhiều người đã không biết thông tin, bức xúc gọi điện đến Công ty.
Ông Việt cũng gửi lời xin lỗi khách hàng. Nhưng trước một sự cố ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 40 nghìn hộ dân, thì dường như một lời xin lỗi vớt vát của lãnh đạo Công ty Viwaco chưa đủ làm yên lòng người dân. Bà Trần Thị Nguyệt (KTT 665, Bộ Quốc phòng, xã Trung Văn, Từ Liêm) nói: Nhiều gia đình phải đi ở nhờ nhà người quen, nhiều hộ chỉ dám mua đồ ăn sẵn… và lúc nào cũng ngóng thông tin về nước. Mất điện thì người dân còn có thể khắc phục chứ mất nước thì chắc chắn nhiều người đành "bó tay".
Xảy ra sự cố, tức là ngoài dự tính của tất cả mọi người, và người dân đều có thể chia sẻ khó khăn với đơn vị chủ quản. Nhưng việc để người dân không biết đúng, biết đủ về sự cố này là lỗi thuộc về đơn vị cung cấp nước sạch. Đáng lẽ, chính những lúc như thế này đơn vị Công ty phải thể hiện cao nhất trách nhiệm của mình với khách, song rất tiếc là việc này đã không được thực hiện đúng mức và kịp thời trên thực tế, gây nên những bức xúc và phiền toái không đáng có cho người dân. Thiết nghĩ đây cũng là một bài học cho các nhà cung cấp dịch vụ trong việc ứng xử với "thượng đế" của mình. Họ rất cần được tôn trọng bằng hành động cụ thể chứ không chỉ là một lời xin lỗi...
Ông Nguyễn Cảnh Tam, người phụ trách việc bơm nước của KTT Cảnh sát G1, phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân): Tôi không biết về thông tin bị mất nước nên cũng không có cảnh báo đến mọi người trong KTT, vì vậy nhiều nhà cạn sạch nước. Chúng tôi không hiểu vì sao một sự việc quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn như vậy mà không được thông báo kịp thời đến người dân? Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Đơn vị cung cấp nước nói do nguyên nhân bất khả kháng, cán bộ của UBND các phường nói đã thông báo… nhưng cách thức thông báo ra sao, có đến được với người dân không mới là điều quan trọng. Chúng tôi sẵn lòng chia sẻ khó khăn với đơn vị kinh doanh nước sạch, nhưng việc thông báo cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc trên toàn địa bàn. Đến những người là "đầu mối" như chúng tôi còn không biết thì những hộ gia đình khác chắc cũng khó có thể biết được thông tin cần thiết này? Ông Vũ Văn, phường Mộ Lao (Hà Đông): Thời điểm cán bộ của UBND các phường thông báo về việc mất nước có thể thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh, nhưng việc tiếp nhận thông tin từ hệ thống này lâu nay đã không còn phát huy hiệu quả trên thực tế, chưa kể việc thông báo lại rơi vào ngày nghỉ nên thông tin không đến được với tất cả người dân là điều dễ hiểu. Theo tôi, với một sự cố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân như vậy thì thông báo cần được đưa về tận các khu dân cư và đơn vị cung cấp nước sạch cần đăng tải thông tin rộng rãi trên hệ thống truyền thông, không nên thụ động, chỉ trông chờ vào cán bộ ở địa phương. Thử hỏi, nếu các đơn vị không kịp thời sửa chữa đường ống thì cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng lớn đến mức nào, lòng tin của người dân vào các đơn vị chức năng sẽ ra sao? Qua việc này, các đơn vị cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình và coi đây là bài học sâu sắc. |