Hàng Việt giành lại vị thế

Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 08/02/2012

(HNM) - Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang có nhiều biện pháp tìm lại vị thế trên thị trường


Da giày lấy lại thị trường "nội"

Hiệp hội Da - Giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, năm nay sản lượng da giày do DN trong nước sản xuất phục vụ thị trường nội địa tiếp tục tăng khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng (NTD) sử dụng sản phẩm "nội" và ngành da - giày đang dần chiếm lại thị trường trong nước vốn bấy lâu bị giày dép có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm lĩnh, sản lượng giày dép do DN trong nước sản xuất và tiêu thụ nội địa trong năm qua ước đạt gần 70 triệu đôi, chiếm gần 50% trong tổng thị trường nội địa (ước khoảng 130-140 triệu đôi/năm, có tổng trị giá tương đương 1,5 tỷ USD). Dự báo, năm nay mức sản xuất và tiêu thụ giày dép của các DN Việt Nam dự kiến khoảng 75 triệu đôi. Hiện có khoảng 10-15 DN lớn sản xuất giày phục vụ thị trường nội địa. Năm qua các DN sản xuất giày dép "nội"không lãi nhiều vì lợi nhuận chỉ tăng 5-10%, do giá nguyên liệu trung bình tăng 30%, trong khi các sản phẩm giày nội địa, lượng da thuộc trong nước chiếm 70-80% và đế giày sản xuất trong nước cũng chiếm tỷ lệ này.


Sản xuất đồ gốm sứ mỹ nghệ tại làng nghề Bát Tràng.   Ảnh: Minh Nguyễn

Lefaso nhấn mạnh, DN có vốn trong nước từng làm hàng xuất khẩu nên liên kết lại để khai thác thị trường nội địa, tăng cường đào tạo nhân viên bán lẻ tại các cửa hàng, vì ngày nay bán lẻ đã trở thành một nghệ thuật không thể xem nhẹ. Mặt khác, DN cần thực hiện việc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu khách hàng trong nước và xu hướng tiêu dùng của từng khu vực, nhất là ở các địa bàn lớn đông dân cư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Một việc rất cần đánh giá đúng là khi sản xuất hàng hóa trong nước giá phải hợp lý, do đó các DN cần áp dụng các giải pháp để giảm chi phí, bố trí lại quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động qua việc đầu tư thêm máy móc, thiết bị… Đặc biệt, các DN cũng nên tranh thủ khai thác lợi thế từ chủ trương của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho thị trường trong nước để sớm đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Để ngành da giày Việt Nam phát triển bền vững phải đi từng bước. Các DN phải thực hiện theo lộ trình, trong đó phải tạo dựng thương hiệu ngay từ thị trường nội địa, giành lấy thị phần và làm "bàn đạp" cho những bước tiến xa hơn.


Gốm sứ: Hàng "nội" át hàng "ngoại"

Mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá phù hợp... là yếu tố khiến nhiều NTD trong nước có xu hướng chọn các sản phẩm gốm, sứ "nội". Những thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn là gốm Minh Long, Bát Tràng... Trước đây với tâm lý "sính ngoại", nhiều người đã bỏ không ít tiền để mua bát, đĩa, một số đồ gia dụng khác có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng, nay chỉ cần bỏ ra mấy trăm nghìn đồng là có thể có được một bộ ấm chén, bát đĩa cao cấp do các DN trong nước sản xuất. Tương tự, nếu như trước đây ở hầu hết các chợ, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh nhờ giá rẻ, mẫu mã phong phú, thì gần đây hàng nội được nhiều NTD lựa chọn hơn.

Chị Tuyết Anh, chủ một cửa hàng gốm sứ trên phố Hàm Long cho biết, khoảng hơn một năm trở lại đây doanh thu từ bán sản phẩm trong nước chiếm hơn 50% và số này tăng gần gấp đôi so với những năm trước đó. Trong đó, gốm, sứ cao cấp Minh Long được nhiều người chọn do hoa văn, họa tiết sắc, không bị mờ, màu sắc tự nhiên… Giá cao hơn khoảng 20% so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng vẫn "mềm" hơn sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản mà chất lượng tốt, an toàn, mẫu mã đã cải tiến trông khá bắt mắt, vì thế cửa hàng bán khá chạy.

Thực tế tại một số chợ đầu mối như Đồng Xuân, Thành Công, Ngã Tư Sở, các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần về số lượng do NTD không còn mấy mặn mà, dù các sản phẩm này giá khá thấp: một chiếc bát ăn được bán giá 5.000-20.000 đồng, ấm chén có giá 200.000-500.000 đồng/bộ (tùy loại). Một số sản phẩm ngoại khác xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản có giá đắt hơn từ vài chục nghìn đến hơn một trăm nghìn/sản phẩm. Anh Hải Đông, chủ cửa hàng bán lẻ tại chợ Thành Công (Ba Đình) cho biết, bán hàng "nội" lãi bình quân chỉ 20%, trong khi với đồ Trung Quốc, Hàn Quốc... lãi 25-50%. Nhưng, gần đây sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc bán chậm, nên dù lãi ít cửa hàng của anh vẫn nhập chủ yếu là sản phẩm trong nước và kiếm doanh thu theo số lượng...

Được biết, sản phẩm sứ chất lượng cao không chỉ trắng, tròn, trong... mà còn có độ bền cao và nhất là phải tuyệt đối an toàn cho sức khỏe NTD. Sản phẩm sành sứ, sau khi tráng men vẫn có những lỗ nhỏ tạo thành độ nhám trên bề mặt sản phẩm mà mắt thường không thấy được, chỉ có đồ sứ có công nghệ nano mới lấp được nhẵn mặt men làm cho dầu mỡ, bụi bẩn khó bám được. Sử dụng sản phẩm sứ cao cấp bền hơn các loại sứ thường gấp 5-10 lần. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ nano với chất men, nên chất chát của trà, dầu mỡ, cà phê không bám được. Các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc tuy mẫu mã bắt mắt, nhưng sản xuất trên dây chuyền dập khuôn nên đều như nhau, không ấn tượng. Trong khi sản phẩm "nội" lại có bản sắc riêng, được cải tiến về hình thức, giá vừa phải, chất lượng tốt, NTD nên ưu tiên lựa chọn và điều đó cũng thể hiện việc hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Gia Bình