Cảnh báo dịch cúm gia cầm bùng phát

Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 08/02/2012

(HNM) - Do thời tiết thay đổi cùng với việc vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, nhiều địa phương chưa có vắc xin phù hợp để tiêm phòng đã làm cho dịch cúm gia cầm (CGC) bùng phát trở lại.


Trong tháng 1, đã có 2 bệnh nhân tại các tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng bị nhiễm vi rút cúm và tử vong. Trước tình hình này, chiều 7-2, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.


Tiêm phòng dịch cúm gia cầm tại quận Long Biên (Hà Nội).  
Ảnh: Khánh Nguyên

Cục Thú y (Bộ NN& PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch CGC đã bùng phát ở 4 xã, thuộc 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị và Sóc Trăng với tổng số 1.683 con gia cầm mắc bệnh buộc phải tiêu hủy 4.032 con, trong đó có 3.610 con vịt và 422 con gà. Hiện còn 4 tỉnh, thành là Hà Nội, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Nguyên và Bạc Liêu bắt đầu có hiện tượng gia cầm mắc bệnh, chết. Tuy nhiên, Cục Thú y chưa có xét nghiệm dịch tễ chính thức ở các địa phương này.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, mặc dù hiện nay số lượng gia cầm chết do dịch bệnh không nhiều nhưng đã có 2 ca tử vong do nhiễm cúm gia cầm tại các tỉnh xuất hiện dịch nên báo hiệu xuất hiện một đợt dịch mới với chủng vi rút động lực cao. Theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh bùng phát nhưng chủ yếu là do trước và sau Tết Nguyên đán, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm trên phạm vi cả nước tăng đột biến đã tạo nhiều sơ hở trong công tác kiểm dịch. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc cũng đã tạo điều kiện cho vi rút CGC phát triển. Đặc biệt, sau một thời gian dài dịch CGC yên ắng, nhiều địa phương lại lơ là, chủ quan với công tác tiêm phòng nên tỷ lệ tiêm phòng cho gia cầm rất thấp (chỉ đạt khoảng 50%). Trong khi đó, cơ quan thú y vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng dịch hữu hiệu đối với chủng vi rút H5N1, Clade 2.3.2 vì vậy việc tiêm phòng chủ yếu dùng vắc xin nhập từ Trung Quốc đã không còn hiệu lực. Các địa phương đều ở trong tình trạng thiếu vắc xin, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu cần 6 triệu liều vắc xin nhưng hiện chỉ có 1 triệu liều.

Trước tình hình dịch CGC có nguy cơ lan rộng, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi các địa phương yêu cầu kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng, chống dịch CGC, duy trì chế độ họp giao ban định kỳ; giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Các tỉnh có nguy cơ có dịch cần thành lập ngay các đoàn kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống, giám sát chặt việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, tăng cường công tác bảo đảm an toàn phòng dịch tại các điểm có nguy cơ cao như vùng chăn thả vịt chạy đồng, các khu giết mổ gia cầm, chợ đầu mối…

Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hiện Cục đã phối hợp với các đơn vị của Bộ NN&PTNT thành lập 7 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và cùng chính quyền một số địa phương giám sát các ổ dịch, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thành viên kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để tìm ra các loại vắc xin phòng dịch thích hợp, có hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, biện pháp trước mắt đặt ra là, các cơ quan thú y vùng phải phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành ngay việc tiêm phòng vắc xin CGC đợt 1 năm 2012 cho 13 tỉnh Nam bộ.

Hiện nay, vẫn còn chủng vi rút CGC mới chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tìm loại vắc xin thay thế để ngăn chặn vi rút CGC biến tính và có cách phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu dự hội nghị, nếu trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại với chủng mới, Cục Thú y nên xúc tiến việc sản xuất thử nghiệm để phục vụ các địa phương phòng, chống dịch. Ngoài ra, Việt Nam có thể đặt mua các loại vắc xin mới của nước ngoài về tiêm thử nghiệm thay vì chờ nghiên cứu như hiện nay.

Quỳnh Dung