Nguy cơ mất vốn của Nhà nước vì thiếu luật
Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 08/02/2012
Nguyên nhân: Do thiếu quy định vận dụng thực tế nên Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (BQL các KCN Đồng Nai) đã không thể cấp phép dự án mới của Fico vào vị trí đất mà DN này đã mua lại toàn bộ tài sản của một DN làm ăn thua lỗ.
Không kịp thời điều chỉnh bổ sung quy định sẽ thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và Nhà nước.
Bất lực nhìn tiền tỷ "bốc hơi"
Theo đơn kêu cứu của Fico, Công ty Rượu sâm panh Mátxcơva (100% vốn nước ngoài) thuê 33.438m2 đất của Công ty Phát triển KCN Biên Hòa (nay là Công ty CP Sonadezi Long Bình) tại KCN Biên Hòa 2 (tỉnh Đồng Nai) trong 20 năm kể từ ngày 29-6-1996. Tuy nhiên, do công ty này làm ăn thua lỗ, không thể trả các khoản nợ, nên năm 2010, Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai (Cục THA) đã tiến hành bán đấu giá tài sản của công ty (không bao gồm đất) và Fico trúng đấu giá với số tiền chi phí gần 40 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất các nghĩa vụ tài chính, Fico thực hiện các thủ tục cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai yêu cầu để thuê lại mảnh đất trên để khôi phục sản xuất. Thế rồi bất ngờ phát sinh; tại 2 buổi bàn giao tài sản thanh lý (tháng 12-2010 và tháng 4-2011), Cục THA không thể bảo đảm quyền tiếp tục thuê đất cho Fico, lý do bởi Công ty Rượu sâm panh Mátxcơva đột nhiên không đồng ý thanh lý hợp đồng thuê đất.
Theo văn bản trả lời Fico của BQL các KCN Đồng Nai (do ông Võ Thành Lập, trưởng ban, ký), nỗi "trần ai" của DN xuất phát bởi Công ty Rượu hiện không còn tài sản (do đã thanh lý) nhưng vẫn không chịu làm thủ tục thanh lý, phá sản DN, không thanh lý hợp đồng thuê đất. Tức là trên mảnh đất đó, vẫn tồn tại pháp nhân Công ty Rượu và tất nhiên trên một mảnh đất không thể có hai dự án kinh doanh của hai doanh nghiệp, nên cơ quan chức năng không thể hoàn thiện thủ tục cho Fico thuê đất và cấp chứng nhận đầu tư mới.
Có lẽ do "nắm" được "khe hở" của luật mà tháng 9-2011, tại buổi bàn giao tài sản, đại diện ủy quyền của Công ty Rượu sâm panh Mátxcơva đã đưa ra đề nghị oái oăm: "Bên trúng đấu giá nhanh chóng di dời tài sản trên đất đã mua!". Yêu cầu này khiến lãnh đạo Fico "kêu trời" bởi tài sản mà Fico mua lại chủ yếu gắn với đất, như các công trình xây dựng, đường sá, hệ thống xử lý nước thải và cả… cây xanh. Nếu phải di dời những tài sản nói trên khỏi mảnh đất này, chẳng khác nào DN tự tay đốt tiền của Nhà nước!
Chờ bổ sung quy định!
Bức xúc với cách xử lý của BQL các KCN Đồng Nai, Fico đã kêu cứu tới Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) và cả Chính phủ. Bởi đến giờ này, sau hơn một năm, hàng chục tỷ đồng DN đầu tư vẫn chưa đem lại hiệu quả. Khối tài sản mà Fico mua thanh lý về pháp lý đã được xác nhận, nhưng thực tế vẫn tê liệt. Điều này dẫn đến hậu quả mà theo tính toán của Fico thì chỉ riêng tiền lãi ngân hàng công ty phải gánh đã lên đến gần 7 tỷ đồng, chưa nói máy móc hư hỏng theo thời gian. Đáng nói ở chỗ, Fico là DN 100% vốn nhà nước, đồng nghĩa với việc tiền ngân sách đang "bốc hơi" từng ngày, chưa nói công sản (đất KCN) vẫn để hoang hóa.
Thế nhưng, cùng thời điểm nói trên, bên bị khiếu nại là BQL các KCN Đồng Nai cũng có văn bản "kêu" tới Bộ KHĐT. Văn bản của BQL do ông Võ Thành Lập (trưởng ban) ký nêu rõ: "Thực tế đang phát sinh cấp bách… Qua trường hợp cụ thể nêu trên, BQL đề nghị nên có quy định bổ sung hướng xử lý đối với DN không còn tài sản do bị cưỡng chế thi hành án nhưng bản thân DN lại không làm thủ tục thanh lý hay phá sản. Đây là cơ sở để xóa tên DN và xem xét cấp giấy phép đầu tư cho dự án mới vào vị trí của DN loại này!".
Văn bản phúc đáp số 4958 của Bộ KHĐT đã cho các bên biết một sự thật: Các vấn đề liên quan đến thanh lý dự án đầu tư theo phản ánh của BQL các KCN Đồng Nai nêu… nhưng hiện chưa có quy định cụ thể! Và "Bộ KHĐT ghi nhận và đã xem xét, giải quyết trong quá trình soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2005"!
Cảnh báo nguy cơ lớn
Việc "lỗ hổng" của quy định pháp lý đang chờ… xem xét sửa đổi - theo lý giải của cơ quan chuyên môn cao nhất là Bộ KHĐT - đã cảnh báo một mối nguy lớn cho các DN trong cả nước, chứ không riêng gì đối với Fico hay bó hẹp trong địa giới hành chính tỉnh Đồng Nai. Bởi, bình quân trong một quý của năm 2011 vừa qua, cả nước có trên 12.000 DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong cả năm, ước tính có trên 49.000 DN thua lỗ, giải thể, phá sản. Nếu không sớm khẩn trương bổ sung điều chỉnh quy định pháp lý thì chỉ một phần nhỏ trong số DN thua lỗ giở "độc chiêu" (như trường hợp Công ty Rượu sâm panh Mátxcơva), không hiểu sẽ có bao nhiêu DN làm ăn nghiêm túc sẽ phải chịu thiệt hại như Fico đang phải gánh? Và sẽ có bao nhiêu "đất vàng" bị lãng phí?