Đền chùa quá tải
Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 07/02/2012
Du khách đến Phủ Tây Hồ trong ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: Như Ý
Tấp nập lễ chùa
Rằm tháng Giêng năm nay, thời tiết khá lý tưởng cho người dân lên chùa cầu an, cầu phúc. Các đền, chùa nổi tiếng ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, chùa Hà, chùa Trấn Quốc, chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ… đều tấp nập người ra, kẻ vào làm lễ. Điển hình là Tổ đình Phúc Khánh (Ngã Tư Sở) đã tái diễn cảnh ùn tắc giao thông kéo dài từ đầu cầu vượt hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi suốt từ chiều 14 tháng Giêng (5-2) đến tối khuya. Người đi lễ tràn cả lên cầu vượt và dải phân cách, hướng về Tổ đình Phúc Khánh để cầu cho năm mới được an khang, thịnh vượng. Không còn cảnh ùn tắc nhưng từ sáng đến tối ngày Rằm tháng Giêng (6-2), Tổ đình Phúc Khánh không lúc nào ngớt khách thập phương tới dâng hương, lễ Phật.
Chùa Quán Sứ, phủ Tây Hồ cũng đông đúc không kém. Một thành viên Ban Khánh tiết chùa Quán Sứ cho biết: Lượng sớ khách dâng lên chùa trong ngày 14 và ngày rằm không tính được bằng tờ, bằng cân mà phải tính bằng yến. Là một Phật tử quy bái nhiều năm tại chùa Quán Sứ, bà Nguyễn Thị Hạnh, trú tại phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết: "Rằm tháng Giêng năm nào tôi cùng gia đình cũng đi lễ chùa để cầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc". Ở phủ Tây Hồ, người đi lễ đông đến mức chỉ có những người đăng ký trước mới được làm lễ dâng sao giải hạn. Xa trung tâm Hà Nội, nhưng lượng khách đổ về Bia Bà thuộc phường La Khê (Hà Đông) trong ngày Rằm tháng Giêng cũng tăng gấp vài lần so với ngày rằm các tháng khác.
Rằm tháng Giêng cũng là ngày chính hội đền Và (Sơn Tây). Cùng với nhân dân quanh vùng vui hội, có khoảng hơn một vạn lượt khách thập phương đến đền Và, gây tắc đường cục bộ ở một số tuyến phố xung quanh di tích. Ngoài ra, đình Mông Phụ và chùa Mía ở làng Việt cổ Đường Lâm (Sơn Tây), đình Tây Đằng ở thị trấn Tây Đằng (Ba Vì); chùa Trầm, chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất) cũng tấp nập du khách thập phương đến lễ Phật từ sáng sớm.
Chị Trần Kim Anh, trú tại tổ dân phố 3, phường La Khê (Hà Đông) đi lễ Rằm tháng Giêng ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) kể: "Tôi phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt làm lễ, rồi lại chờ hàng tiếng mới có thể hóa vàng, xin lộc thánh mang về thờ". Tương tự, bãi gửi xe ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) hầu như không còn chỗ trống, bên trong chùa lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Dịch vụ đắt đỏ
"Lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", đình, đền dù to hay nhỏ đều tổ chức khóa lễ, nhà nhà sắp cơm, chút hương hoa thơm cúng tổ tiên, khiến giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến. Một cặp trầu cau có giá 6.000-8.000 đồng; một cành hoa cúc có giá từ 4.000-6.000 đồng, hoa hồng cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, hoa đào vẫn được ưa chuộng. Ông Nguyễn Văn Sinh, chuyên bán đào ở Quảng An (Tây Hồ) cho biết: Những cành đào nhỏ nhiều lộc bán rất chạy, bó đào lộc có giá 20.000-30.000 đồng, một cành đào bé cũng có thể thu về 50.000-100.000 đồng... Ai cần tiền lẻ đi lễ có thể đổi trước cổng các đền, chùa với tỷ lệ 10/7 hoặc 10/8 (tức là 100.000 đồng đổi được 70.000 đồng có mệnh giá 500 đồng…).
Ngoài đồ lễ, dịch vụ trông giữ xe mọc lên nhan nhản, thi nhau "chặt chém" du khách. Nhiều hộ dân gần Tổ đình Phúc Khánh đã "khoanh" vỉa hè làm bãi giữ xe với giá từ 10.000-20.000 đồng/xe máy, 50.000-80.000 đồng/ô tô. Tại phủ Tây Hồ, ngày thường gửi xe máy chỉ 5.000 đồng nhưng ngày 14 và Rằm tháng Giêng tăng lên 20.000 đồng. Nhân viên các văn phòng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa đi lễ chùa Quán Sứ khiến bãi gửi xe của ban quản lý nhà chùa chật cứng, các bãi trông xe tư nhân được dịp hét giá 10.000 đồng/xe máy, 30.000-50.000 đồng/ô tô (tăng gấp đôi ngày thường)...
Có mặt tại một số đền, chùa lớn trong ngày Rằm tháng Giêng có thể nhận thấy một bộ phận không nhỏ người đi lễ vẫn nặng tâm lý lấy vật chất làm thước đo lòng thành bằng cách rải tiền công đức, tiền giọt dầu bừa bãi, không đúng nơi quy định, đốt nhiều vàng mã, đồ mã. Lò hóa mã tại chùa Quán Sứ, Tổ đình Phúc Khánh, chùa Mía… hoạt động hết công suất.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Dương, chùa Quán Sứ: Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng là ngày đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng giám lòng thành của tín đồ, vì thế tấm lòng thành của người đi lễ mới là thứ đáng quý, đáng trân trọng chứ không phải là những khóa lễ cao, đầy, càng không phải là mớ tiền lẻ đi rải khắp nơi hay đốt thật nhiều vàng mã. Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Dương, nghi lễ dâng sao là một hình thức tiếp thêm nghị lực để mỗi người yên tâm hơn trước những việc khó khăn trong năm mới chứ không nên dựa vào nghi lễ này mà thiếu ý thức phấn đấu, chủ quan.
"Tết lại" ở làng Ước Lễ
Rằm tháng Giêng, trong khi người dân khắp mọi miền nô nức lễ chùa thì không khí Tết lại rộn ràng ở làng giò chả Ước Lễ, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Người dân trang hoàng lại nhà cửa, sắm sửa mâm ngũ quả cao đầy, đặt bánh chưng xanh vuông vức, rượu nếp thơm ngon lên bàn thờ tổ tiên. Những người con xa quê hương dù có bận trăm công ngàn việc cũng cố về sum họp cùng gia đình. Sau khi làm lễ cúng gia tiên, người dân làng Ước Lễ súng sính quần áo lên chùa dự hội, xin lộc hoặc đi chúc Tết các gia đình. Trở về sau 15 năm xa quê hương, ông Hoàng Xuân Lưu, 73 tuổi cho biết: "Xa quê, không lúc nào tôi nguôi nỗi nhớ quê hương, nhớ ngày "Tết lại" truyền thống của làng. Năm nay tôi đưa con cháu về quê ăn Tết cũng vì muốn con cháu không quên nguồn cội".
Nói về cái Tết đặc biệt này, ông Trang Công Trịnh, Trưởng thôn Ước Lễ cho biết: Truyền thống ăn Tết Nguyên đán vào Tết Nguyên tiêu đã có ở Ước Lễ từ nhiều đời nay do làng có nghề làm giò chả nổi tiếng. Hằng năm, khi cả nước tưng bừng đón Tết thì người dân làng Ước Lễ bước vào thời điểm bận nhất của nghề, không có thời gian mua sắm hay chúc nhau ngày Tết. Hết Tết Nguyên đán, nhịp sống trở lại bình thường, dân làng Ước Lễ mới chính thức đón Tết dù đó là "Tết lại".
Như vậy, lễ Rằm tháng Giêng tuy có sự khác nhau giữa các địa phương, các gia đình và đây đó vẫn còn tái diễn nhiều cảnh lộn xộn song tất thảy người dân đều có chung niềm ước vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc.