Tai nạn đường sắt: Không thể coi thường
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 07/02/2012
Có ngày xảy ra 3 vụ (ngày 3-2) làm chết 5 người, 4 người bị thương. Trước đó, ngày 1-2, tai nạn đường sắt cũng làm thiệt mạng 3 người. Gần đây nhất, ngày 5-2, một tai nạn hi hữu đã xảy ra, một toa tàu hàng đã đột ngột bị cắt rời khỏi đoàn tàu, đứng chềnh ềnh giữa cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến giao thông tắc nghẽn, may không thiệt hại về người (sự cố này khiến người ta liên hệ ngay đến cầu Long Biên vì cầu Ghềnh và cầu Long Biên là hai trong số 5 cầu trên tuyến Bắc - Nam hiện còn tình trạng đường sắt và đường bộ đi chung).
Qua những vụ tai nạn này, có thể thấy việc giảm thiểu tai nạn giao thông trên đường sắt, tai nạn giao thông có liên quan đến đường bộ và đường sắt vẫn là nguy cơ tiềm ẩn chưa được khắc phục, thậm chí ngày càng gia tăng trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Theo thống kê, trên các tuyến đường sắt, chủ yếu trên tuyến Bắc - Nam hiện có gần 1.500 đường ngang có phép và 5.000 đường ngang không có phép. Các loại đường bộ cắt ngang đường sắt này, ngay cả với những đường ngang hợp pháp, cũng có đến trên 85% không đủ điều kiện quy định như tầm nhìn bị hạn chế, độ dốc cao quá quy định, thiếu bảng tín hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thanh chắn đường, người gác đường… Tình trạng này còn cao hơn rất nhiều với các đường ngang tự mở, không xin phép. Một vấn đề không thể bỏ qua là trong khi an toàn giao thông đường bộ đã được giáo dục, tuyên truyền khá thường xuyên thì an toàn giao thông đường sắt, qua đường sắt chưa có được sự quan tâm cần thiết. Hầu hết các vụ tai nạn xảy ra do ý thức của người tham gia giao thông khi qua các đường ngang còn kém, lái xe chủ quan, người đi bộ lơ là. Hai vụ tai nạn điển hình làm chết 7 người trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) và chết 3 người ở Quảng Ngãi đều là các xe chở người đi đón dâu, dự đám cưới, do bất cẩn vượt đường ngang hoặc đỗ cạnh đường ngang không đúng quy định.
Giống như nhiều thành phố lớn trung tâm của nhiều tuyến đường sắt, Hà Nội là một điểm nóng về các tuyến đường ngang. Chỉ tính 15km đường sắt tuyến Bắc - Nam đã có 54 đường ngang có phép và 273 đường ngang không có phép. Hà Nội còn có gần như đủ các dạng mất an toàn đường sắt như nhà, đường lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, cầu chung cho nhiều loại đường, đường ngang không đủ điều kiện an toàn… ẩn chứa nguy cơ xảy ra tai nạn bất kể lúc nào trong khi dẹp bỏ các đường ngang, khôi phục hành lang an toàn chạy tàu là các biện pháp gần như không khả thi vào thời điểm này. Bởi thế, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức an toàn giao thông cho người dân, cần coi việc quy hoạch lại hệ thống đường sắt khu vực nội đô gồm đưa ga trung tâm ra bên ngoài, xây dựng các tuyến đường sắt trên cao… là việc cần làm ngay.