Cuộc sống đương thời qua phim ngắn
Văn hóa - Ngày đăng : 05:20, 07/02/2012
Trong một buổi tối thứ bảy lạnh cóng, phòng chiếu phim của Viện Goethe đã chật cứng, không còn dù là một chỗ đứng. Khán giả, mà đại đa số là người trẻ và người nước ngoài, háo hức chờ xem những bộ phim tài liệu ngắn - kết quả workshop mới nhất của Doclab.
Một cảnh trong phim “Ở lại” của Nguyễn Tiến Đạt. |
Các phim được lựa chọn đều của những tác giả trẻ, là những tiếng nói, góc nhìn về cuộc sống đương thời. Người xem có thể thấy được ở đây các vấn đề xã hội như chuyện giải tỏa (phim "Ở lại" của Nguyễn Tiến Đạt), các câu chuyện thường nhật (phim "Chuyện của mọi nhà" của Phạm Ngọc Lân), cuộc sống của những con người trong một khu nhà tập thể xập xệ (phim "Chung sống" của Đặng Đức Lộc)… Trong "Ở lại", Nguyễn Tiến Đạt kể chuyện gia đình ông Tằng với những khó khăn khi cố giữ mảnh đất hương hỏa ông bà để lại. Sự đổ nát (của không gian đang bị giải tỏa) bao trùm khắp phim, nhưng vẫn toát lên niềm vui sống nhỏ nhoi của cặp đôi lớn tuổi dù biết rằng sớm muộn họ sẽ phải ra đi. Ở phim "Chung sống", Đặng Đức Lộc đã mang tới một không gian nhếch nhác tại khu nhà tập thể xuống cấp với hành lang rộng đặt những bếp than tổ ong dẫn tới các căn phòng nhỏ tồi tàn. Đó là nơi chung sống của bao gia đình, con người và hoàn cảnh. Một cặp vợ chồng công chức; một người đàn ông nghiện, sống bằng sự cưu mang và tình thương của bà mẹ bị cao huyết áp; một đứa trẻ đang bi bô học nói và cảm nhận cuộc sống; những cậu sinh viên hằng ngày vẫn phải đi xách nước sinh hoạt…
Một số tác giả lại kể câu chuyện của cá nhân đang rất phổ biến trong xã hội. Đó là cô gái 27 tuổi bị bắt ép phải lập gia đình trong "Cầu duyên". Hằng ngày cô phải đối mặt với những lời giục giã, thúc ép, mỉa mai cho cái sự "ế ẩm", rồi phải lên chùa đội lễ cầu duyên. Nhưng với cô thì "hôn nhân là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm vì người ta không biết được chuyện gì có thể xảy ra. Và tôi chưa đủ sẵn sàng, chưa tìm được người bạn đồng hành thích hợp cho cuộc phiêu lưu ấy". Tác giả Dạ Thảo Phương lại đem đến khung cảnh rất đỗi bình dị qua "Lady piano". Người phụ nữ 65 tuổi đã trải qua bao khó khăn, đói khổ và chiến tranh. Cuối đời bà mới sắm và chạm được tay vào cây dương cầm - niềm mơ ước từ thuở ấu thơ. Hằng ngày bên công việc nội trợ, bếp núc, trông cháu, tiếng dương cầm lại vang lên từ bàn tay gân guốc, nhăn nheo…
Các phim ngắn của Doclab lần này xuất hiện nhiều ý tưởng làm phim độc đáo và hình ảnh đẹp. Tác giả Phạm Ngọc Lân thể hiện câu chuyện của mình qua các chương trình phát trên radio, lồng ghép vào đó là những hình ảnh sinh hoạt, cảnh quay ở nhiều địa điểm tạo nên một bức tranh muôn màu về cuộc sống. Hình ảnh mở đầu của phim "Cầu duyên" đều rất gợi hình và đẹp. Các cảnh quay một chú chuồn chuồn đậu trên cành tre, ráng chiều và phòng ngủ của một cô gái… đều gợi tới sự độc thân, sự mâu thuẫn mà chủ thể chưa tìm và chưa muốn tìm giải pháp.
Được thành lập vào tháng 10-2009 dành cho các bạn yêu thích điện ảnh, làm phim, Doclab tổ chức các buổi chiếu phim, thực hiện các khóa đào tạo cơ bản ngắn hạn về làm phim, tổ chức workshop và cung cấp thư viện video. 8 bộ phim chiếu lần này là kết quả của một khóa học làm phim ngắn mà các học viên đã đăng ký, theo học và thực hành miễn phí trong vòng 6 tháng qua.