Hội nghị An ninh Munich (Đức): Nhiều ẩn số bất định
Thế giới - Ngày đăng : 05:03, 07/02/2012
Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh và kinh tế thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động, không có gì đáng ngạc nhiên khi chương trình nghị sự của hội nghị lần thứ 47 này bao gồm hàng loạt vấn đề trải rộng khắp các điểm nóng toàn cầu. Đây có thể là những ẩn số bất định buộc thế giới phải đương đầu trong năm 2012 này.
Hội nghị An ninh Munich diễn ra trong lúc tình hình bạo lực tại Syria liên tục leo thang. |
Đầu tiên phải nói đến là tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi. Trước tháng 1-2011, không ai, kể cả giới lãnh đạo và các chuyên gia tình báo cao cấp nhất của Mỹ và Châu Âu, có thể hình dung làn sóng biểu tình của người dân lại đưa đến những biến động chính trị có thể làm thay đổi một cách căn bản cán cân chiến lược tại khu vực này. Những cái tên một thời vang lên đầy uy quyền như Muammar Gaddafi và Hosni Mubarak trong phút chốc chỉ còn là lịch sử, để lại đằng sau những đất nước tan hoang đang chờ được hồi sinh và tái thiết. Tuy nhiên, những chiến dịch mà phương Tây đánh giá là thành công, là bước tiến về "dân chủ" hiện đang tiềm ẩn nguy cơ gây bất trắc cho cả thế giới. Những diễn biến phức tạp của thời kỳ hậu "cách mạng" đang khiến người ta hoang mang hơn bao giờ hết. Vì thế, những đạo diễn của màn kịch mang tên "Mùa xuân Arab" không thể không lo lắng.
Thế nhưng, "Mùa xuân Arab" không vì thế mà dừng bước khi trong mắt phương Tây, Syria và Iran vẫn còn là "mùa hạ". Trong những ngày Hội nghị An ninh tại Munich diễn ra, tin tức và hình ảnh xung đột giữa lực lượng biểu tình và quân đội chính phủ ở một số nước vẫn tràn ngập trên các mặt báo. Song yếu tố gây nhiều chú ý nhất là cuộc đấu trí giữa các nước lớn xung quanh tình hình Syria. Căng thẳng ngày càng leo thang khi trước thềm hội nghị chỉ ít giờ, Nga và Trung Quốc lần thứ hai phủ quyết nghị quyết do phương Tây đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm hậu thuẫn cho cái gọi là "quá trình chuyển tiếp dân chủ" tại quốc gia Trung Đông đang chìm trong bạo loạn này.
Còn với Iran, chưa bao giờ dư luận lại nhắc tới nguy cơ bùng nổ chiến tranh với đất nước bên Vịnh Ba Tư nhiều như thời điểm hiện tại. Thậm chí, dự báo những đòn tấn công đầu tiên vào Iran sẽ xảy ra vào đầu mùa hè tới đã được đưa ra. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì ngay từ đầu năm 2012, Mỹ, Anh và Pháp đã bắt đầu hàng loạt cuộc điều động binh lính tới các nước đồng minh sát Iran như Israel và Kuwait. Theo thông tin hiện có, các đội quân đang di chuyển đến đảo Masira thuộc Oman, phía nam Eo biển Hormuz, nơi lập căn cứ quân sự của lực lượng không quân Mỹ. Binh lính Anh và Pháp cũng bắt đầu đến Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đặc biệt, một số lượng đáng kể tàu chiến Mỹ và Châu Âu đang hướng đến Vịnh Persic cho thấy, quân đồng minh đang sẵn sàng cho cuộc chiến với Iran.
Nói tới những thách thức với an ninh thế giới trong năm 2012 không thể không kể đến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ cùng bản Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) - được xem như hòn đá tảng của an ninh Châu Âu và thế giới. Tại hội nghị, thế giới vui mừng chứng kiến thời khắc được coi là lịch sử khi các nhà lãnh đạo hai nước trao cho nhau văn bản quan trọng đã được Quốc hội hai nước thông qua. Nhưng những ai từng lạc quan cho rằng hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đã đồng lòng bước vào thời kỳ mới cắt giảm vũ khí hạt nhân hẳn sẽ thất vọng. Trong lúc Mỹ liên tiếp đẩy mạnh kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) tại Châu Âu thì Nga cũng không tỏ ra kém cạnh khi triển khai cả dàn tên lửa đạn đạo hạng "khủng" tới sát biên giới với Liên minh châu Âu (EU). Ngay trong ngày 6-2, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm nhà đàm phán về lá chắn tên lửa của Nga Anatoly Antonov tuyên bố, Nga có thể sẽ bãi bỏ START mới và sẽ đẩy mạnh tiềm năng hạt nhân của mình khi các mối hiểm họa về phổ biến hạt nhân ngày một nổi lên.
Rõ ràng, thế giới đang dần mất đi những thời khắc bình yên. Bức tranh toàn cảnh về an ninh toàn cầu năm 2012 sẽ tiếp tục bao trùm với những gam màu nóng. Điều đáng nói là việc hóa giải những thách thức đó có thành công hay không còn tùy thuộc vào toan tính lợi ích của nhiều quốc gia đóng vai trò then chốt trên bàn cờ chính trị thế giới như Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc... chứ không đơn giản thông qua một diễn đàn với chủ đề "Xây dựng cây cầu quốc tế để bảo đảm an ninh và củng cố sự tin cậy lẫn nhau" như Hội nghị An ninh Munich lần thứ 47.