Ông Obama: Tấn công Iran sẽ gây nhiều rủi ro

Thế giới - Ngày đăng : 13:51, 06/02/2012

Tổng thống Mỹ Obama hôm qua cho biết sẽ phải xem xét tới rất nhiều rủi ro trước bất kỳ một cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào Iran và ông khẳng định không muốn thấy thêm xung đột ở khu vực sản xuất dầu mỏ Vịnh Péc-xích.


Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Obama cũng cho biết ông không tin Tehran “có ý định hoặc khả năng” tấn công Mỹ và giảm nhẹ đe dọa từ Tehran, cũng như cho biết muốn thấy một kết thúc ngoại giao cho căng thẳng hạt nhân của nước này.

“Bất kỳ hoạt động quân sự thêm nào tại Vịnh Péc-xích cũng gây ra sự phá hủy và có ảnh hưởng lớn tới chúng ta. Có thể sẽ có ảnh hưởng lớn tới giá dầu. Chúng ta vẫn có quân đội tại Afghanistan, giáp giới với Iran. Và chúng tôi mong muốn cách giải quyết ở đây là bằng phương thức ngoại giao”, Tổng thống Mỹ khẳng định.

Bình luận của ông Obama trùng với quan điểm trước đó của nước láng giềng với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, rằng một cuộc tấn công vào Iran sẽ là thảm họa.

Ông Obama, người sẽ tái tranh cử vào tháng 11 tới, đã kết thúc cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và hiện đang chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của quân đội nước này tại Afghanistan, trong bối cảnh công chúng Mỹ ngày càng bất bình về các khoản chi tiêu lớn cho chiến tranh, trong khi nền kinh tế nước này vẫn mong manh.

Tổng thống Mỹ cũng cho biết Isreal chưa quyết định sẽ phản ứng như thế nào với căng thẳng leo thang nhưng nước này lo ngại “một cách đúng đắn” về kế hoạch của Tehran.

“Ưu tiên số một của tôi là tiếp tục đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, nhưng cũng là an ninh của Israel. Và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi sẽ phối hợp để giải quyết vấn đề này, hi vọng là bằng phương pháp ngoại giao”, ông cho biết trên NBC.

Giới chức Iran đã phản ứng mạnh mẽ đối với nghi ngờ cho rằng Israel có thể nã bom Iran trong vòng vài tháng để ngăn nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Iran đe dọa sẽ trả thù bất kỳ nước nào làm “bệ phóng” cho một cuộc tấn công nhằm vào Nhà nước Hồi giáo.

Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình, sản xuất điện, chứ không phải vũ khí.

Song việc nước này chuyển urani làm giàu tới một boongke trong núi gần đây và từ chối đàm phán về chương trình hạt nhân hay từ chối các thanh sát viên quốc tế đã làm dấy lên lo ngại về tham vọng hạt nhân của Iran.

Theo Dân trí/Reuters