Thách thức ở phía trước
Xe++ - Ngày đăng : 07:52, 06/02/2012
Những năm gần đây, ngành CNĐT ở nước ta đã phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành liên tục đạt 20-30%/năm; giá trị tổng sản lượng trung bình đạt gần 300 tỷ đồng/năm. Sản phẩm CNĐT xuất khẩu chủ yếu là phụ tùng linh kiện, điện tử và máy tính, đã có mặt ở 35 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước... Tuy nhiên, các sản phẩm lại chưa cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) yếu và mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Noble, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Bá Hoạt
Toàn ngành hiện có khoảng 300 DN, trong đó 1/3 là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Hoạt động chính là lắp ráp sản phẩm điện tử gia dụng, với gần 70% tổng vốn đầu tư của ngành (sản xuất linh phụ kiện điện tử chiếm hơn 20% và điện tử chuyên dùng hơn 10%), dẫn tới mất cân đối cơ cấu sản phẩm điện tử gia dụng và điện tử chuyên dùng. Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử rất thấp (bình quân 13%), chủ yếu là bao bì. Nguồn cung cấp linh kiện điện tử và các sản phẩm phụ trợ cho CNĐT chủ yếu là từ nhập khẩu và một phần sản xuất trong nước nhưng phần lớn là do các DN FDI thực hiện. Các DN "nội" vẫn chưa cung cấp được các chi tiết điện tử đặc thù cho CNĐT. Tỷ lệ nội địa hóa của lắp ráp ti vi trung bình đạt hơn 40%; các sản phẩm thuộc nhóm gia dụng (máy giặt, tủ lạnh, điều hòa) khoảng 35%; cá biệt có các sản phẩm gia dụng đạt đến 60-70%. Mặc dù có sản phẩm gia dụng tỷ lệ nội địa hóa khoảng 70% theo số lượng linh kiện nhưng nếu tính theo giá trị chỉ đạt 30%. Sự yếu kém của CNHT nội địa khiến nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo chưa "mặn mà" khi đầu tư vào Việt Nam, vì phải nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu, linh phụ kiện. Điều này không những làm mất cơ hội thu hút đầu tư FDI, mà lại hạn chế sự phát triển khoa học công nghệ. Vì thế, việc phát triển CNHT cần được các ngành chức năng quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, phải có chính sách phát triển hợp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi. Các DN sớm có biện pháp cải thiện sản xuất, nhằm cung cấp những sản phẩm được thị trường chấp nhận. Đặc biệt, ngành chức năng cần xây dựng những kế hoạch trung, dài hạn tổng thể để phát triển đồng bộ ngành CNĐT, trong đó cần có chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển CNHT đủ mạnh. Một vấn đề nên được ưu tiên hàng đầu là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này nhằm thu hút mọi nguồn lực tài chính; xây dựng cơ chế hoạt động của các tổ chức tài chính để các DN vừa và nhỏ dễ tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển; tạo mối liên kết giữa các DN trong nước với các DN FDI sản xuất phụ trợ...
Đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho rằng, các DN "nội" cần tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu trên cơ sở ngành CNĐT cần xác định rõ những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tập trung đầu tư theo chiều sâu thay vì dàn trải như hiện nay. Các DN chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm mà mình có thế mạnh, nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào hệ thống sản xuất khu vực. Cần chú trọng phát triển sản xuất phụ tùng linh kiện và công nghiệp phụ trợ. Bởi CNĐT là ngành có tính chuyên môn hóa và toàn cầu hóa cao. Các dịch vụ sản xuất linh kiện, phụ tùng, xây dựng và vận hành các dây chuyền lắp ráp, vận chuyển, phân phối sản phẩm như một chuỗi khép kín. Cùng với các giải pháp của ngành chức năng, trước hết mỗi DN phải tự cứu mình, tránh tình trạng trông chờ vào cấp có thẩm quyền. Chỉ khi nào các DN chủ động tìm hướng phát triển phù hợp với xu hướng chuyên môn hóa, toàn cầu hóa, thì khi đó ngành CNĐT mới phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.