Chữ “đồng” trong tinh thần Việt

Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 06/02/2012

(HNM)- Trong ngôn ngữ xã hội nước ta lâu nay thường xuất hiện cụm từ “đồng thuận”, “đồng lòng”… Ở góc độ xã hội, đó là một trong những biểu hiện của nền dân chủ tiến bộ vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại.


Chữ “đồng” trong Từ điển tiếng Việt có nghĩa: Cùng như nhau, không có gì khác nhau. Thế nhưng trong đời sống tinh thần của người Việt, chữ “đồng” chứa đựng nội hàm rộng lớn như một dòng chảy trong lòng dân tộc, tạo thành nét văn hóa đặc sắc Việt Nam.

Hai tiếng “đồng bào” được hình thành từ truyền thuyết đậm tính nhân văn từ lâu đời đã trở nên thiêng liêng trong tâm khảm người Việt. Cha Lạc Long Quân lấy Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng. Một trăm trứng nở ra một trăm người con. Lớn lên, năm mươi người con theo mẹ lên rừng, năm mươi người con theo cha xuống biển. Theo truyền thuyết, cộng đồng dân tộc Việt hình thành từ đấy. Hai tiếng “đồng bào” là một sự khẳng định: Người Việt dù sống ở bất kỳ đâu trên Trái đất này, dù mang bất kỳ quốc tịch nào đều là anh em, đều là người Việt Nam.

Sự cộng sinh, sự cố kết cộng đồng để tồn tại suốt mấy ngàn năm chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, đã tạo ra sức mạnh Sơn Tinh trong mỗi con người bé nhỏ, làm nên những con đê vững chắc chế ngự lũ lụt, hạn hán, bảo vệ làng mạc, mùa màng và tạo thành một nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ cho đến ngày nay. Những cung bậc thăng trầm của lịch sử cũng để lại cho chúng ta bài học đau đớn khi một số vương triều phong kiến Việt Nam không cố kết, không tạo được sự đồng thuận của lòng dân, không phát huy được sức mạnh dân tộc nên nỗi nước mất, nhà tan… Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh hai tiếng “đồng bào” là cội nguồn của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần ấy tạo ra sức mạnh của nhân dân, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần sử dụng hai chữ “đồng bào”. Từ bài “ Kính cáo đồng bào” ký tên Nguyễn Ái Quốc viết ngày 6-6-1941 khi Người mới trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến những bài viết cuối cùng trước khi Người ra đi, đặc biệt khi Bác viết về đồng bào miền Nam, hai tiếng “đồng bào” trở thành lời hiệu triệu thiêng liêng: “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”. Sự đồng thuận trên cơ sở “đồng bào” dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã tạo nên nguồn sức mạnh đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, thu non sông về một mối. Trong tư tưởng của Người, chữ “đồng” có vai trò đặc biệt: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”; “Khuyên ai nên nhớ chữ Đồng; Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Muốn làm nên sự nghiệp lớn phải “đồng tình”, “đồng sức,” “đồng lòng” và có sự liên kết trong một “đồng minh”. Chữ “đồng” trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là chiến lược, là sách lược mà còn là một triết lý tư duy, vừa hội tụ giá trị truyền thống vừa mang tính hiện đại.

Gắn kết trong nghĩa “đồng bào”, mỗi người Việt đều có trách nhiệm xây dựng đất nước. Đồng bào ta ở nước ngoài là một phần máu thịt của Việt Nam. Tạo điều kiện để những người con xa xứ góp sức cùng đất nước chính là nhân lên sức mạnh Việt Nam. Đảng ta, Nhà nước ta luôn coi đồng bào xa xứ là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt, đã ban hành nhiều chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài để mọi người dân Việt dù sinh sống ở quốc gia nào trên thế giới cũng có thể hướng về Tổ quốc, góp sức xây dựng nước Việt hùng cường.

Cùng với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chữ “đồng” phải trở thành triết lý tư duy, trở thành tinh thần Việt. Và tinh thần ấy cần được biểu hiện bằng những hành động cụ thể. Hội nhập sâu rộng với thế giới, đối đầu với những thách thức mang tính toàn cầu, Việt Nam cần phải huy động được sự ủng hộ của bạn bè năm châu, các đối tác nước ngoài trong một lợi ích chung - một chữ “đồng” trong nội hàm rộng. Chữ “đồng” cũng chính là biểu trưng sinh động của chiến lược đối ngoại rộng mở Việt Nam.

Trong tiến trình đổi mới với nền kinh tế thị trường, doanh nhân, doanh nghiệp là “lực lượng chủ lực của nền kinh tế”. Làm thế nào để phát huy chữ “đồng” trong đội ngũ hơn 5 triệu người này và liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với các thành phần khác để nhân lên sức mạnh Việt Nam? Đây cũng là một vấn đề rất đáng suy nghĩ. Với nông dân, doanh nghiệp là chiếc cầu nối để sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường. Mục tiêu phát triển kinh tế đòi hỏi hàm lượng “chất xám” cao trong mỗi sản phẩm đã đặt doanh nhân, doanh nghiệp vào vị thế đối tác với các nhà khoa học trong ứng dụng, triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Quan hệ giữa doanh nhân, công nhân, nông dân, giới trí thức không chỉ cần “đồng” về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc mà còn là sự gắn bó mật thiết về lợi ích.

Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trở thành “nhân vật trung tâm của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Khi Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, mở cửa hội nhập, nếu các doanh nghiệp Việt liên kết với nhau trong một chuỗi hệ thống thì mới hội tụ được đủ sức mạnh để tìm cho mình chỗ đứng vững vàng. Thiếu chữ “đồng”, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, những “người lính xung kích trong thời bình” không thể tạo ra sức mạnh.

“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Khi tất cả cùng đồng lòng, đồng thuận hướng về một mục tiêu chung sẽ tạo ra được sức mạnh to lớn. Và sự đồng thuận cao chỉ có được khi phát huy tối đa tinh thần dân chủ, đối thoại thẳng thắn, bình đẳng, lắng nghe những ý kiến khác nhau, kể cả những ý kiến khác với những gì đã quyết định. Tuy nhiên, sự đồng thuận phải được xây dựng trên cơ sở của sự thật, của cái đúng, phù hợp với quy luật vận động và phát triển. Những ai đó vì lợi ích cá nhân, cục bộ, vì thói quen đã lạc hậu nhưng lại mang danh nghĩa cộng đồng để chống lại sự tiến bộ thì họ đang gây rối loạn xã hội. Nếu đồng lòng với cái sai, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân chính là kéo lùi sự phát triển, là biểu hiện của cái ác. Và ai đó bất chấp sự không đồng thuận của xã hội mà đi ngược lại lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc thì người đó phạm tội ác với lịch sử.

Một cánh én không đủ làm nên mùa xuân, những nỗ lực của một cá nhân đơn lẻ không thể mang lại thành công lớn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt hiện nay, liên kết cộng đồng với sự đồng thuận là tất yếu để bảo đảm cho sự tồn tại và thành công. Để huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, phát huy tối đa tinh thần đoàn kết dân tộc, chúng ta không chỉ cần biết nhân lên sức mạnh cộng đồng mà còn phải có những cơ chế, chính sách cụ thể để hội tụ sức mạnh của người Việt trong mỗi cộng đồng và liên kết các cộng đồng để tạo nên sức mạnh mới.

Người Việt Nam xem trọng chữ “đồng”. Trong các giá trị truyền thống Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái là những nét hết sức đặc sắc. Đây là một truyền thống đẹp được tạo dựng cùng sự hình thành của dân tộc Việt Nam từ thủa hồng hoang dựng nước, vật lộn cùng thiên tai và đấu tranh giành độc lập tự chủ. Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành một cuộc kiến tạo mới, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới tăng trưởng trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường. Trước thách thức lớn đòi hỏi phải có sự đồng lòng, đồng thuận của mỗi người dân, của cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị. Không có chữ “đồng” đúng nghĩa, không có sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, không thể có thành công…

Chữ “đồng” - cộng đồng, đồng lòng, đồng thuận - là nét văn hóa đặc sắc, là truyền thống Việt Nam. Chữ “đồng” trường tồn cùng dân tộc và chính là sức mạnh Việt Nam.

Cù Xuân Trường