Senegal: Chao đảo chính trường
Thế giới - Ngày đăng : 06:58, 06/02/2012
Việc Hội đồng Hiến pháp Senegal, ngày 27-1, cho phép Tổng thống đương nhiệm, ông Abdoulaye Wade, 85 tuổi, tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 26-2 tới, đã thổi bùng làn sóng biểu tình gây bạo loạn. Trong tuần qua, các vụ biểu tình phản đối đã diễn ra rầm rộ tại thủ đô Dakar và nhiều khu vực lân cận. Người biểu tình đã đốt, phá và tấn công cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải dùng biện pháp mạnh để trấn áp. Một số người biểu tình đã thiệt mạng và nhiều người bị thương trong các vụ đụng độ, khiến làn sóng giận dữ trong dân chúng ngày càng tăng. Ngày 1-2, Chính phủ Senegal đã phải triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khủng hoảng để bàn biện pháp đối phó với làn sóng biểu tình.
Cảnh sát Senegal được huy động tối đa để trấn áp biểu tình quá khích ở thủ đô Dakar. |
Căng thẳng gia tăng đã khiến nhiều quốc gia lo ngại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ngày 1-2, đã kêu gọi các chính đảng và phe phái tại Senegal kiềm chế các hành động bạo lực, tìm cách giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình. Mỹ và Pháp đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống A.Wade chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân...
Senegal, quốc gia thoát khỏi ách thuộc địa của Pháp, có lịch sử khá ổn định và chưa xảy ra bất kỳ cuộc đảo chính quân sự nào kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1960. Tuy nhiên, ý định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống A.Wade đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng. Vấn đề ở chỗ, ý định này lại được Hội đồng Hiến pháp Senegal chấp thuận, gây bức xúc trong dư luận. Bởi trước đó, hội đồng này đã sửa đổi Hiến pháp, theo đó quy định một tổng thống chỉ được điều hành đất nước tối đa hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông A.Wade, đắc cử lần đầu vào năm 2000 với một nhiệm kỳ 7 năm và tái cử vào năm 2007 (với nhiệm kỳ 5 năm theo hiến pháp sửa đổi), cho rằng, quy định này không có hiệu lực với hai nhiệm kỳ vừa qua của ông. Và theo phán quyết của tòa án nước này, quy định giới hạn nhiệm kỳ không ảnh hưởng tới ông A.Wade vì ông nhậm chức tổng thống trước khi luật mới có hiệu lực. Và phán quyết này đã làm bùng nổ làn sóng biểu tình gây bạo lực tại quốc gia được cho là có nền dân chủ tại Châu Phi.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Senegal nảy sinh mâu thuẫn do sửa đổi hiến pháp. Hồi tháng 6-2011, chính phủ nước này đã phải hủy bỏ đề xuất sửa đổi hiến pháp vốn gây nhiều tranh cãi. Khi đó, ngay sau khi ông A.Wade đề xuất sửa đổi hiến pháp, tập trung vào Luật Bầu cử, theo đó sẽ thu hẹp tỷ lệ thắng cử của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một vào năm 2012, từ mức 50% xuống còn 25% đã tạo ra căng thẳng trên chính trường nước này. Phe đối lập cho rằng việc sửa đổi như vậy nhằm bảo đảm cho ông A.Wade tái đắc cử nhiệm kỳ ba vào năm 2012. Ngay sau đó, "Phong trào 23-6", liên minh của các đảng đối lập và một số nhóm hoạt động xã hội đã phát động biểu tình. Các cuộc biểu tình đã nổ ra với nhiều đụng độ khiến 100 người bị thương do xung đột giữa cảnh sát với người biểu tình tại thủ đô Dakar. Căng thẳng gia tăng do biểu tình cũng như những kháng nghị của các thủ lĩnh tôn giáo và đa số các nghị sỹ tại Quốc hội vào thời điểm đó đã buộc ông A.Wade phải rút lại kế hoạch sửa đổi hiến pháp.
Cuộc bầu cử ở Senegal đang đến gần, dư luận khu vực cho rằng, nếu chính quyền Dakar không có giải pháp hữu hiệu, rất có thể những căng thẳng đang diễn ra sẽ bị các thế lực bên ngoài lợi dụng, đẩy quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng, đe dọa sự ổn định của khu vực.