Vì mục tiêu lớn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 06/02/2012
Nhiều năm qua, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đã khiến dư luận đặc biệt bức xúc. Cùng với đó là thiệt hại lớn về kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu mỗi ngày một người dân của Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh bị tắc đường 1 giờ thì mức độ thiệt hại về kinh tế tương đương với 1 USD.
Với 8 triệu dân cư, hai thành phố lớn này hằng năm thiệt hại khoảng 2,4 tỷ USD vì vấn nạn tắc đường. Vẫn biết nguyên nhân chính của tình trạng đó là cơ sở hạ tầng giao thông hiện đã quá tải, không theo kịp sự phát triển của đô thị và mức độ gia tăng dân số. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo, trong ngày một ngày hai chưa đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhanh chóng cải thiện tình hình.
Xét cho cùng, việc điều chỉnh giờ học tập, làm việc, kinh doanh cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp mang tính chất tình thế khi mật độ giao thông quá lớn tập trung vào giờ cao điểm, nguy cơ ùn tắc cao. Và chắc chắn, bên cạnh tính tích cực khi thực hiện biện pháp này sẽ xuất hiện những tác động ảnh hưởng đến thói quen, đời sống, sinh hoạt của những nhóm đối tượng có liên quan. Cũng chính vì lý do đó, Hà Nội đã rất thận trọng trước khi chính thức thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm. Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các bộ, ngành và các tầng lớp nhân dân. Từ đó cân nhắc, lựa chọn phương án tối ưu, tránh gây xáo trộn lớn tới đời sống xã hội. Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, HĐND thành phố cũng đã tổ chức phản biện, xem xét kỹ lưỡng trước khi trình Chính phủ thông qua.
Dù vậy, khi Hà Nội chính thức thực hiện việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, một số bất cập đã nảy sinh. Trước hết có thể thấy, một thói quen, một khung giờ đối với nhiều gia đình, nhiều cá nhân nay sẽ phải có những điều chỉnh nhất định. Và một thói quen mới cũng không thể hình thành trong ngày một ngày hai. Cùng với đó, từ những góc nhìn, vị trí khác nhau trong xã hội sẽ xuất hiện những luồng ý kiến khác nhau đối với biện pháp này.
Vậy nên, cùng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, rất cần sự thông cảm, đồng tình, ủng hộ và chia sẻ của từng người dân, từng gia đình để hướng đến mục tiêu làm giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Sức mạnh của quần chúng nhân dân đã được đúc kết và khẳng định: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Tin rằng với sức mạnh ấy, không có việc gì chúng ta không thực hiện được. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát tác động của việc điều chỉnh giờ học, giờ làm đối với các nhóm đối tượng trong xã hội để có những điều chỉnh khoa học, phù hợp với thực tế. Và cuối cùng, để thực hiện quy hoạch tổng thể về phát triển mạng lưới giao thông với tầm nhìn chiến lược cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội để giải quyết cái gốc của vấn đề là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải công cộng, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông... Đó là những giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng ùn tắc giao thông.