Không hợp đồng, khó quản lý
Kinh tế - Ngày đăng : 06:42, 06/02/2012
Trả lương theo phong trào
Theo bà Trần Thị Hồng, (Viện Gia đình và Giới), Luật Lao động quy định: "Tiền lương của người lao động do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định". So sánh lương trung bình mà người lao động giúp việc gia đình nhận được (khoảng 2-3 triệu đồng/tháng) với mức lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1-10-2011 là 1.400.000đ/tháng thì lương người giúp việc cao hơn nhiều. Vấn đề đặt ra là với mức lương như trên, người lao động vẫn chưa thấy thỏa mãn, trong khi chủ sử dụng lao động lại cho rằng việc trả công như thế là tương đối cao. Trên thực tế, ngoài lương, người giúp việc được cung cấp chỗ ở, ăn uống hằng ngày và còn được thêm tiền thưởng, quà cáp vào những dịp lễ, tết. Vậy vì sao vấn đề tiền lương cho lao động giúp việc gia đình lại trở thành vấn đề bức xúc? Một trong những nguyên nhân chính là bởi nhu cầu của thị trường này cao và người giúp việc lại nắm bắt được nhu cầu cần người của các gia đình tại đô thị hiện nay. Mặt khác, cũng có nguyên nhân do người sử dụng lao động cũng chủ động tăng lương để giữ người làm cho gia đình. Vì vậy việc trả lương hiện nay cho người giúp việc gia đình hầu hết thực hiện theo "phong trào". Chính điều này vô tình đã đẩy mức lương lên và xảy ra cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường lao động.
Giúp việc gia đình, một trong những nghề khó tuyển dụng hiện nay. |
Theo nguyên tắc, tiền lương phải được trả tương xứng với thời gian lao động, công việc người lao động đảm nhận. Tuy nhiên, làm rõ thời gian lao động cũng như công việc đảm nhận của lao động giúp việc gia đình là điều khó khăn. Về thời gian làm việc, Luật Lao động quy định người lao động chỉ làm việc tối đa 8h/ngày, thời gian làm thêm sẽ phải được chủ sử dụng lao động tính toán chi trả thêm. Tuy nhiên, áp dụng quy định đó đối với giúp việc gia đình cũng có điểm bất hợp lý vì thời gian lao động liên tục của người giúp việc trong một ngày rất khó tính.
Về chế độ nghỉ lễ, lao động giúp việc gia đình không có quy định rõ ràng về việc nghỉ phép, số ngày nghỉ phép. Tìm hiểu về khoảng thời gian người lao động nghỉ về thăm nhà trong quá trình làm việc, một nghiên cứu mới đây cho thấy có 42,7% người lao động cho biết khi nào có việc là họ về. Còn lại, tính trung bình, khoảng 4 tháng người lao động về thăm nhà 1 lần. Như vậy, cho dù không có quy định về việc nghỉ phép nhưng người lao động giúp việc gia đình vẫn được bảo đảm quyền lợi này. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều vấn đề nảy sinh gây bất lợi cho chủ sử dụng lao động khi không có quy định cụ thể về thời gian nghỉ phép cho người lao động giúp việc gia đình. Một chủ sử dụng lao động giúp việc ở quận Ba Đình bức xúc: "Có những người cấy cũng về, con cưới cũng về, con ốm cũng về, cháu ốm cũng về, bà cô chết cũng về. Về quanh năm… Họ toàn đưa ra những lý do không thể đừng. Nếu trừ lương thì mình thấy ngại, nhưng họ không làm mà cứ được hưởng lương như vậy thì không xứng đáng".
Không có hợp đồng lao động
Có một thực tế đang tồn tại hiện nay là việc ký kết hợp đồng lao động với những điều khoản rõ ràng quy định quyền lợi, trách nhiệm của hai bên hiện ít được cả chủ lao động và chính người lao động giúp việc gia đình quan tâm đến. Theo quy định của Luật Lao động, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu như công việc phải làm, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng… Nhưng con số thống kê mới nhất cho thấy, có tới 69,8% người lao động thỏa thuận với chủ nhà về công việc phải làm và mức lương của mình bằng hợp đồng miệng. Số lao động có hợp đồng bằng giấy tờ chỉ chiếm khoảng 30,2%. Việc thiếu hợp đồng lao động bằng văn bản với những thỏa thuận cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của cả hai bên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động tự ý nghỉ việc, tự ý đòi tăng lương cũng như tình trạng người sử dụng lao động tự ý cho lao động giúp việc gia đình nghỉ khi không hài lòng. Tình trạng các gia đình lao đao vì người giúp việc nghỉ làm sau các kỳ nghỉ lễ, tết phản ánh phần nào sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong loại hình nghề nghiệp này. Không có hợp đồng lao động cũng là cơ hội nảy sinh các vụ việc mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trong một lần trao đổi với báo chí gần đây, ông Đặng Đức San - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: "Sắp tới, Luật Lao động sửa đổi sẽ đưa ra các quy định cụ thể, có tính chất pháp lý để quản lý loại hình công việc đang ngày càng có nhu cầu lớn trong xã hội này. Trong đó sẽ quy định cụ thể về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi; trách nhiệm của người giúp việc...". Theo ông San, những ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai bên qua hình thức hợp đồng lao động sẽ hướng nghề này đến sự chuyên nghiệp hơn. Điều này không chỉ làm thay đổi nhận thức của xã hội về nghề giúp việc mà ngay cả những người làm nghề này cũng sẽ thay đổi quan điểm, họ sẽ nhận thức rõ hơn về việc đi học để làm nghề ổn định, chuyên nghiệp và hưởng quyền lợi chính đáng từ công việc.