Phút giao thừa ở Trường Sa

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:17, 06/02/2012

(HNM) - Giao thừa ở Trường Sa không có những màn pháo hoa rực rỡ, không có cảnh mọi người chen vai, nô nức trẩy hội đón xuân. Giữa bốn bề sóng vỗ, phút giao thừa ở Trường Sa chỉ có những người lính đảo, có nhánh hoa bàng vuông chớm nở và tiếng đàn guitar bập bùng lan trên sóng cùng với lời bài hát "Nơi đảo xa" của nhạc sĩ Thế Song. Lần đầu tiên trong đời được đón giao thừa nơi hải đảo tiền tiêu, tôi ngỡ ngàng nhận ra sự ấm cúng đến lạ kỳ…

Nhịn miệng đãi khách

Chuyến hải hành "mang quà Tết ra đảo Trường Sa" của chúng tôi đã bước sang ngày thứ 16 với vô vàn sóng gió. Nhằm đúng trưa 31-12-2011, tàu đến đảo Thuyền Chài. Mọi người trong đoàn công tác dường như đã mệt lả vì say sóng. Bất chợt, cả tàu ồ lên mừng rỡ khi nhận được thông báo của Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Phó Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân: "Đề nghị mọi người chuẩn bị hành lý xuống xuồng. Đêm nay chúng ta sẽ đón giao thừa trên đảo". Vui thì vui thật nhưng cánh nhà báo chúng tôi lo lắng và thắc mắc đủ điều. Thứ nhất, quãng đường từ vị trí tàu neo vào đến đảo khoảng 15km, sóng lại rất lớn, nếu ngồi xuồng CQ sợ không an toàn. Thứ hai, Thuyền Chài là đảo chìm, hơn bốn chục người lên đó sẽ ăn ở ra sao. Thứ ba, phần quà Tết dành cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo chỉ có giới hạn, nếu dùng hết thì đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, anh em lấy gì đón Tết? Tôi mạnh dạn hỏi đồng chí Lữ đoàn phó, anh cười mà nói rằng: "Các nhà báo yên tâm, tình người trên đảo mới quý. Truyền thống của lính đảo là nhịn miệng đãi khách mà".

Chiến sĩ trên đảo Thuyền Chài giao lưu văn nghệ đón giao thừa.

Sau ba lần lên xuống xuồng bất thành vì sóng quá lớn, cuối cùng chúng tôi cũng vào đến đảo Thuyền Chài B. Cả đoàn bất ngờ và cảm động nhìn mâm cơm tất niên thịnh soạn mà lính đảo đã chuẩn bị sẵn. Dẫu không được như ở đất liền nhưng chúng tôi hiểu rằng mâm cơm ấy chứa đựng tất cả tình cảm, lòng hiếu khách mà lính đảo dành cho đoàn công tác. Đại úy Triệu Tiến Huy, Chính trị viên đảo Thuyền Chài phấn khởi, thật thà nói: "Cán bộ, chiến sĩ thấy may mắn được đón đoàn công tác vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ngay từ chiều, anh em đã đi bắt cá, thịt chó và gói dăm chiếc bánh chưng chuẩn bị bữa cơm tất niên. Thôi thì có gì dùng nấy, mong đoàn công tác thông cảm với khó khăn của người lính đảo". Chúng tôi vào mâm với một cảm giác ấm cúng đến kỳ lạ. Tất thảy sáu chục con người ngồi ăn bữa cơm tất niên giữa biển Đông mà cứ ngỡ như đang ở gia đình. Đại úy Lê Ngọc Phương, Đảo trưởng đảo Thuyền Chài tự tay gắp thức ăn mời từng người. Anh bảo đã ngót nghét chục năm đón Tết trên đảo, nay mới được ăn tất niên cùng "hơi ấm đất liền". Nhìn cả chục mâm cơm mới có nổi hai đĩa rau xanh, dù muốn nhưng mọi người nhường nhau không ai nỡ gắp. Biết ý, Điểm trưởng đảo Thuyền Chài B Lê Văn Ngọc cười tươi, đánh tiếng: "Các anh chị không phải nhường lính đảo đâu ạ. Chẳng qua tuần trước bão số 7 tràn về, sóng đánh to quá nên vườn rau tăng gia của anh em trồng bị dập nát hết, chứ không thì thoải mái…". Nghe thì biết vậy chứ chúng tôi hiểu rằng câu nói đó là thể hiện truyền thống "nhịn miệng đãi khách" của anh em lính đảo.

Chưa hết, bữa cơm tất niên vừa kết thúc, chúng tôi được mời lên phòng họp của đơn vị. Chiếc chiếu trải giữa sàn nhà đã bày biện sẵn bánh kẹo, hạt dưa và cả hơn hai chục lon bia. Thấy vậy, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân vội nhắc anh em chỉ huy đảo: "Đây là phần quà để cán bộ, chiến sĩ dùng vào dịp Tết Nguyên đán, giờ mang hết ra đây, sau anh em lấy gì dùng?". Chỉ huy đảo ấp úng, gãi đầu gãi tai, khiến cả đoàn công tác bật cười. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi thống nhất với nhau "đã bày ra thì cứ để đó cho có không khí Tết, đón giao thừa xong lại cất đi".

Phút giao thừa đáng nhớ

Vừa chân ướt, chân ráo lên đảo được hơn tiếng đồng hồ, Hán Phi Long, phóng viên Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam được Trưởng đoàn công tác giao nhiệm vụ viết kịch bản và làm MC cho buổi giao lưu văn nghệ đón giao thừa đêm nay. Giọng thì khàn khàn "vịt đực", lại chẳng bao giờ đứng dẫn chương trình, nay phải đảm trách vai trò MC suốt 4 tiếng đồng hồ (từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm), Phi Long giãy như "đỉa phải vôi". Thế rồi nghe lính đảo khích lệ, cậu ta hô quyết tâm "vào trận". Chẳng có kịch bản viết sẵn, giọng MC thì nhát gừng, ấp a ấp úng nhưng niềm vui trên đảo chìm dường như muốn vỡ òa. Lính đảo ôm cây đàn guitar bập bùng, còn chúng tôi cứ nghêu ngao hát. Hát để ngợi ca những người lính đảo, hát để át đi tiếng sóng biển đang gào thét giữa trùng khơi. Kết thúc bài "Hát mãi khúc quân hành", phóng viên Bùi Thế Tưởng (Báo Quốc phòng Thủ đô) nổi hứng xin đăng ký hát bài "Biển nỗi nhớ và em". Cứ ngỡ Thế Tưởng chỉ biết viết báo, ai ngờ cậu lại là cây văn nghệ xuất sắc, biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ. Cái giọng trầm ấm của Tưởng cùng với giai điệu êm dịu của bài hát khiến không khí buổi giao lưu chợt lắng xuống trong giây lát. Lúc này đây, tôi hiểu mọi người đang hướng về đất liền, nhớ tới những người thân thiết, ruột thịt. Mấy anh lính trẻ chốc chốc lại ngó lên chiếc điện thoại di động đang treo lơ lửng trên cửa sổ để xem có tin nhắn của người thân chúc mừng năm mới hay không. Sở dĩ điện thoại di động phải treo lên cửa sổ vì sóng điện thoại ở đây lúc được lúc mất, lính đảo lại khao khát nhận được thông tin từ đất liền, thành thử họ phải treo điện thoại lên để "hứng sóng".

Không kém các nhà báo, Đảo trưởng Lê Ngọc Phương cũng xung phong vừa đàn vừa hát bài "Nơi đảo xa" của nhạc sĩ Thế Song. Chẳng cần ai bắt nhịp, tất thảy cán bộ, chiến sĩ trên đảo và chúng tôi cùng hát với Đảo trưởng.

Còn một giờ đồng hồ nữa mới đến thời khắc giao thừa, MC Phi Long vội vàng chạy ra hiên, khệ nệ bê chậu cây bàng vuông đã gắn sẵn các câu hỏi mời mọi người tham gia trò chơi hái hoa dân chủ. Gì chứ tiết mục này là sở trường của những người lính đảo. Cứ ngỡ câu hỏi hóc búa, dí dỏm mà các nhà báo đặt ra khó cỡ nào, ai dè lính đảo trả lời được hết.

Thời khắc thiêng liêng đã đến, đúng lúc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc lời chúc Tết trên truyền hình cũng là lúc bông hoa độc nhất trên cây bàng vuông hé nở. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân thay mặt cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngắt nhành hoa đó tặng phóng viên Hương Giang (Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh) bởi Giang là người phụ nữ duy nhất trong đoàn.

Không khí Tết đã ùa về, chúng tôi vội vã trèo lên tầng thượng hướng tầm nhìn về phía tàu Trường Sa 22 đang neo ngoài biển. Một loạt pháo sáng lóe lên từ phía boong tàu, sáng rực cả góc trời. Ngay lập tức, các chiến sĩ trên đảo cũng đáp trả bằng một loạt pháo sáng khác. Dẫu không có nhiều sắc màu như pháo hoa nhưng ai cũng có cảm giác đang được đón giao thừa tại đất liền. Cả đảo chìm vang lên lời chúc mừng năm mới. Với tôi, đó là lần đón giao thừa không thể nào quên.

Tống Ngọc Thanh