Thơ ca vẫn đầy sức sống
Văn hóa - Ngày đăng : 07:32, 05/02/2012
Từ nhiều góc nhìn như thi ca và hòa bình, cảm thơ và dịch thơ, nối liền khoảng cách giữa văn học nói chung các nước Châu Á… có một điểm chung nổi lên mạnh mẽ là thơ ca vẫn đầy sức sống! Dưới đây là những chia sẻ của các nhà thơ với Hànộimới cùng một số ý kiến đáng chú ý của đại biểu tại hội thảo "Thơ ca vì một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển".
Các nhà thơ quốc tế và Việt Nam tại Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất. Ảnh: Văn Công Hùng
* Nhà thơ Sue Wooton (Giải thưởng năm 2011 của Cuộc thi quốc tế Hiệp hội Thi ca New Zealand): Cuộc thi quốc tế Hiệp hội Thi ca New Zealand năm 2011 có 700 người dự thi. Là người chiến thắng, tôi thấy rất vinh dự. Giải thưởng này là một sự ghi nhận, động viên ý nghĩa đối với hoạt động sáng tác của tôi. Những bài thơ được cảm nhận, đánh giá mà không nệ tên tác giả. Tôi rất thích điều đó. Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam. Tôi được biết đất nước các bạn giàu truyền thống văn hóa, nhưng đáng tiếc là tôi chưa tiếp cận được nhiều với các tác phẩm văn học, nhất là thi ca. Liên hoan thơ lần này là dịp gặp gỡ các nhà thơ tài năng khắp nơi, một cách khích lệ sự sáng tạo. Tuy rằng sáng tác là một công việc đơn lẻ của mỗi nhà thơ, song để tác phẩm đến được với công chúng thì lại rất cần những cuộc giao lưu rộng rãi.
* Bác sĩ, nhà thơ Alice M.Sun-cua (Philippines, tập thơ chung "Nước đã nói điều gì" của nhóm thơ Alon do bà sáng lập được tặng Giải thưởng Sách quốc gia Philippinnes năm 2004).
Là một bác sĩ nhưng tôi cũng vô cùng yêu công việc viết lách. Tôi không hề thấy hai công việc này có gì mâu thuẫn với nhau. Là bác sĩ đồng thời là một nhà thơ, tôi có thể dễ dàng nhận ra bệnh nhân không chỉ là một cơ thể có bệnh mà còn là một tâm hồn, một trí óc và tinh thần cần được yêu thương, san sẻ. Sự chữa trị không chỉ dừng lại ở phần thân thể mà còn cao hơn thế nữa. Đó là nơi ý thức nhà thơ được vận dụng.
Có một điểm chung trong đề tài của thơ: nói về điều tốt đẹp, về tình yêu, niềm hy vọng và cả sự thất vọng, về quê hương đất nước… Nhưng mỗi nhà thơ, với góc nhìn riêng của mình sẽ tiếp cận những chủ đề này theo một cách riêng, để từ đó có thể sẻ chia với một người và tất cả mọi người. Cách trình bày có thể khác nhau, cách viết có thể khác nhau, nhưng chúng ta cùng nhau đi tìm vẻ đẹp.
Ở Philippines hiện nay đáng tiếc là việc đọc sách không được phổ biến lắm, nhưng các nhà thơ, nhà văn có những quỹ hỗ trợ văn học. Nếu các nhà thơ, nhà văn, dịch giả có những dự án thuyết phục thì có thể được hỗ trợ xuất bản tác phẩm.
*Nhà thơ, nhà giáo, họa sĩ Joel Arnstein (Anh): Tại một liên hoan thơ ở Manila, các NXB Anh, Mỹ đã gần như cười phá lên khi được hỏi rằng, họ có muốn xem xét các bản thảo thơ để in không. Ở những nơi đó, thơ phần lớn tồn tại ngoài thương mại. Nhưng bằng nhiều cách, thơ vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Trẻ em ở Anh yêu thích làm thơ và đọc thơ trong trường học. Thơ được in trên tàu điện ngầm ở London cho khách đi tàu đọc và Đài BBC có những chương trình dành riêng cho thơ.
Thơ cần thiết, bởi bằng việc đọc thơ, chúng ta tìm thấy ý nghĩ và cảm xúc được diễn đạt giống như chính ý nghĩ và xúc cảm của chúng ta và có sự đồng cảm, để được cam đoan rằng, chúng ta không đơn độc.
* Tiến sĩ Vật lý - nhà thơ Lâm Quang Mỹ: (Việt kiều, hiện đang sống tại Ba Lan):
Ba Lan có hai mùa thơ, đó là thơ mùa xuân kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 và thơ mùa thu vào tháng 9. Các liên hoan thơ diễn ra trong suốt những mùa thơ. Mỗi kỳ liên hoan kéo dài lâu nhất là 7 ngày. Tác phẩm của các nhà thơ được gửi đến thư viện. Qua phản hồi của bạn đọc gửi lại thư viện, ban tổ chức sẽ lựa chọn những nhà thơ được bạn đọc quan tâm, yêu mến để mời dự các liên hoan thơ. Hoạt động chủ yếu tại liên hoan là giao lưu với công chúng. Đó là các sinh viên, bác sĩ, cán bộ y tế tại các bệnh viện, người đọc nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp. Tờ rơi giới thiệu tiểu sử, tác phẩm của tác giả được bạn đọc chủ động tìm hiểu, chuẩn bị, trưng bày khắp phòng nói chuyện… Ở Ba Lan, thơ vẫn đang có bạn đọc!
* Nhà thơ Yuka Tsukagoshi (Nhật Bản):
Nhiều thể loại thơ ca đã ra đời khắp Châu Á nhiều thế kỷ qua. Ở Nhật Bản, cũng có phong cách thơ truyền thống, haiku và tanka, ngoài ra còn có thể loại thơ tự do. Ở Nhật, tiểu thuyết dường như được chuộng hơn thơ ca, nhưng những hình thức này vẫn được phổ biến rộng rãi.
Là một nhà thơ và dịch giả, tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc thơ ca đi qua biên giới hữu hình và vô hình giữa những dân tộc, những nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Cho dù khoảnh khắc đó chỉ là một cái chớp mắt của thời gian thì đó cũng là một bước tiến lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy hòa bình chung.