Ở đại dương thương trường phải có “thuyền trưởng” giỏi
Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 05/02/2012
Cuộc đối thoại giữa phóng viên Báo Hànộimới với Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Gia Túc nhằm cung cấp cho bạn đọc thông tin sâu về cộng đồng DN Việt Nam trong bối cảnh tác động nhiều chiều của nền kinh tế thế giới hiện nay.
+ Đề tài về kinh tế, về DN luôn là chủ đề nóng của báo chí. Nhìn lại hoạt động kinh tế cả nước năm 2011, chúng ta dù chia sẻ với nỗi nhọc nhằn của giới DN nhưng không thể vui được?
- Ít có năm nào mà DN Việt Nam gặp nhiều thách thức, phải gồng mình lên để chống đỡ như năm 2011. Đó là hậu quả khó tránh khỏi dưới ảnh hưởng nghiêm trọng từ đời sống kinh tế thế giới kết hợp với khó khăn trong nước. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả nước có khoảng 49 ngàn DN rơi vào cảnh đình trệ, giảm bớt sản xuất, tạm rút khỏi thị trường hoặc đã phá sản, một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc, thiếu thu nhập. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất lợi đó, nhiều DN vẫn trụ vững, cố gắng làm những gì có thể để tồn tại. Dù rất khó khăn, nhưng các DN đã góp phần xứng đáng vào việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tạo ra tốc độ tăng trưởng GDP 5,89% cũng như tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 96 tỷ USD - những con số ấn tượng nhất của kinh tế cả nước năm 2011.
+ Dù có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng một số ngành có vị trí quan trọng trong nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Điều này có phải do yếu tố yếu kém nội tại?
- Năm qua một số ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế như dệt may, chế biến nông - thủy sản, da giày… và ngược lại là một số ngành phải chấp nhận sự giảm sút như sản xuất thép, xi măng, bất động sản, xây lắp, chứng khoán… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do những tác động bất lợi từ thị trường quốc tế và sự cắt giảm đầu tư trong nước chứ không hẳn là do yếu tố chủ quan, yếu kém nội tại.
+ Trong bối cảnh đó, với chức năng của mình, VCCI đã làm được gì thiết thực để chia sẻ, chung sức với DN?
- Trong suốt năm 2011, VCCI đã vào cuộc đồng hành cùng DN, hỗ trợ DN vượt khó. VCCI tiếp nhận nhiều ý kiến, đề nghị, trong đó có hàng trăm đơn kêu cứu, trình bày của DN từ các vụ việc khác nhau, kể cả những vụ việc oan sai, tập trung vào một số vấn đề nóng như chính sách thuế, hải quan, mặt bằng nhà xưởng, đất đai, thủ tục hành chính… VCCI đã nghiên cứu, tìm cách hỗ trợ, tư vấn cho DN và đã gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xử lý, giải quyết. Cụ thể, chúng tôi đã làm việc với nhiều bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, tập trung vào mục tiêu giảm, giãn, miễn thuế cho DN. Đặc biệt, VCCI còn tìm đến các định chế tài chính, ngân hàng quốc tế và trong nước để kêu gọi cung cấp các khoản vay ưu đãi cho DN vừa và nhỏ, đồng thời chúng tôi hỗ trợ DN trong quá trình tiếp cận, làm thủ tục để vay. Trong hoàn cảnh thiếu vốn hoặc phải vay vốn với lãi suất cao khi rất yếu về tiềm lực tài chính thì một khoản vài chục ngàn USD đối với DN nhỏ và vừa rất quan trọng, thậm chí có thể tạo ra một cú hích mới thay đổi cục diện, để DN đó đứng vững qua sóng gió… Nói rộng hơn, VCCI luôn tìm cách hiểu, đưa ra định hướng giải quyết và đã đồng hành với DN, góp phần vào việc tái cấu trúc DN cũng như tham gia vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát của Chính phủ.
+ Được biết, cuối năm qua Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất của nghị quyết là gì?
- Cần nhận định rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đội ngũ doanh nhân, DN. "Doanh nhân là người lính xung kích trên mặt trận kinh tế". Chúng ta cũng đã có Ngày Doanh nhân để tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của họ. Sẽ không có nền kinh tế mạnh nếu không có một đội ngũ DN hùng mạnh, phát triển, trong đó doanh nhân chính là các thuyền trưởng chèo lái mỗi con tàu trên đại dương thương trường. Theo tôi, phải hiểu, phải trân trọng bản lĩnh và trí tuệ của họ, nhất là khát vọng làm giàu và những gì họ mang lại cho xã hội.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về doanh nhân, thể hiện rõ mối quan tâm cũng như ghi nhận tầm quan trọng của doanh nhân. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu là: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý DN hoạt động đạt hiệu quả, sức cạnh tranh cao, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu… Điều đó cũng có nghĩa là trọng trách và công việc của VCCI cũng ngày càng tăng lên nhiều lần.
+ Dự báo, đến năm 2020 cả nước sẽ có 2 triệu DN - tức gấp khoảng 4 lần hiện nay - trong đó còn phải tạo dựng được một số DN quy mô lớn, hiện đại mang tầm vóc khu vực và có sức cạnh tranh quốc tế. Mục tiêu lớn như vậy, khối lượng đầu việc phải làm rất đồ sộ thì liệu VCCI nói riêng và các cơ quan quản lý nói chung có kham nổi không?
- VCCI sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ tăng tốc soạn thảo, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng, chú trọng thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, dễ dự báo trong khuôn khổ chặt chẽ minh bạch của luật để DN tham gia thị trường. Vấn đề lâu dài vẫn là làm sao tạo ra sự tôn trọng và thượng tôn pháp luật, trở thành lối hành xử của cộng đồng DN. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, cả hệ thống chính trị, nhất là báo chí để tuyên truyền, phát động tinh thần kinh doanh đúng pháp luật. Phải làm sao tác động sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, đến từng cá nhân, trong đó tập trung nhắm tới thế hệ trẻ để hun đúc ý chí làm giàu. Qua đó, chúng ta có thể huy động mọi nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH đất nước, lấy dân giàu, nước mạnh làm đích hướng tới. Tất cả nhằm đưa ra một thông điệp là người dân có thể tận dụng cơ hội để làm giàu, đóng góp cho cộng đồng. VCCI sẽ khẩn trương triển khai việc soạn thảo, trình Chính phủ Chương trình quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp cho công dân, Chương trình đào tạo giám đốc điều hành DN (CEO).
Nhìn chung, VCCI sẽ phải đảm đương khối lượng công việc rất lớn và căng thẳng, nhất là để hỗ trợ DN toàn diện, từ lúc khởi nghiệp đến quá trình hoạt động, giải quyết những khó khăn nảy sinh; cung cấp thông tin thị trường, pháp lý, quản trị kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực, kiến thức pháp luật và thông lệ quốc tế; xây dựng và bảo vệ thương hiệu… Đặc biệt, VCCI sẽ sát cánh với DN và xử lý các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, hướng tới mục tiêu hài hòa quan hệ này trên cơ sở tôn trọng pháp luật.
+ Số lượng DN càng nhiều thì quan hệ lao động càng phức tạp, nhạy cảm. Nhân nói về quan hệ lao động, tôi thấy số vụ đình công của công nhân vẫn không thuyên giảm. Vậy đâu là bản chất vấn đề?
- Năm vừa qua, cả nước có hơn 800 vụ đình công, chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn liên quan đến lợi ích của người lao động. Phần lớn các cuộc đình công diễn ra tự phát do người lao động chưa hiểu hết các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, có cả nguyên nhân khách quan như DN gặp khó khăn, thu hẹp về thị trường nên ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của công nhân. Mặt khác, cũng có trường hợp do DN cố tính phớt lờ quyền lợi của công nhân nên gây ra mâu thuẫn kéo dài. Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị nên cần sự vào cuộc và đồng thuận từ các bên, nhất là thiện chí từ giới chủ cũng như người lao động. Hai bên cần hiểu rằng họ không thể không dựa vào nhau.
+ Vẫn là nguyên nhân như nhiều năm trước. Tôi muốn đề cập về quan điểm xử lý những vi phạm của chủ DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay chúng ta đều thống nhất rằng không thể đầu tư bằng mọi giá…
- Chúng tôi luôn giữ quan điểm tôn trọng pháp luật. Trong trường hợp chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm nhiều lần, không chịu sửa đổi hoặc đáp ứng yêu cầu chính đáng của công nhân thì VCCI sẽ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nặng. Mục đích là để răn đe, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ pháp luật, ý thức tự giác đóng góp vào sự phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội. Một DN mạnh phải xây dựng được và làm tốt việc tôn vinh văn hóa DN, tạo dựng giá trị riêng, hình ảnh riêng của mình bên cạnh việc "nhập gia tùy tục". Chúng tôi đã từng đề nghị xử lý hình sự và trục xuất về nước đối với chủ sử dụng lao động vi phạm nghiêm trọng.
+ Những năm gần đây, VCCI là cơ quan đứng ra tổ chức các cuộc khảo sát, điều tra để đánh giá và chấm điểm khả năng/sức cạnh tranh của các tổ chức, đơn vị hay địa phương khác. Việc này từng bước trở thành một thông lệ đối với xã hội, các tổ chức, nhất là các đối tượng được đề cập trong bảng xếp hạng tham khảo. Họ soi vào để từ đó rút kinh nghiệm, căn chỉnh lại chất lượng công tác điều hành của mình mà vươn lên. Nhà đầu tư, đối tác cũng lấy đó làm căn cứ để quyết định đưa vốn, mở cơ sở sản xuất - kinh doanh vào đâu, hợp tác với ai. Ngược lại, cá nhân ông hay tập thể lãnh đạo VCCI sẽ phản ứng như thế nào khi cơ quan, đơn vị khác cũng nhận xét và xếp hạng VCCI?
- Hằng năm VCCI đều có những hoạt động chuẩn bị công phu, dựa trên cơ sở khoa học và hợp lý để lập và phát phiếu điều tra, khảo sát đối với cộng đồng DN. Mục tiêu là để nắm bắt tình hình, phản hồi và nhất là ý kiến đóng góp, đánh giá của DN đối với hoạt động của VCCI. Làm như vậy, VCCI muốn chủ động gắn kết, hợp tác và cầu thị đối với DN, nhằm mục đích cao nhất là kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào công tác nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ từ đó đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN một cách hiệu quả, kịp thời. Trong quá trình trưng cầu, thăm dò ý kiến của DN chúng tôi luôn bảo đảm sự công bằng, nghiêm túc và thẳng thắn. Đây là việc làm thường xuyên, được DN cũng như nhiều giới quan tâm, ủng hộ và như vậy trên thực tế các DN vẫn đánh giá, chấm điểm VCCI một cách tự nhiên, thường kỳ.
Chúng tôi ý thức rằng, thời gian tới, những yêu cầu về sự phát triển, hội nhập theo hướng sâu hơn của cộng đồng DN sẽ diễn ra nhanh, quyết liệt hơn và đương nhiên DN cũng đòi hỏi sự đáp ứng với chất lượng cao hơn từ phía VCCI. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác, ý kiến thẳng thắn của các DN, cơ quan, tổ chức để làm tốt hơn vai trò, chức năng của mình. Năm 2012 sẽ là một năm ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi, thử thách bản lĩnh và trí tuệ của DN, doanh nhân. Hy vọng, kết thúc năm 2012 chúng ta có thể đón nhận kết quả khả quan hơn.
+ Cảm ơn sự cởi mở của ông.