3.500 liền anh, liền chị lập “dàn đồng ca khổng lồ” tại Hội Lim
Xã hội - Ngày đăng : 16:53, 04/02/2012
Lập kỷ lục
Tại trung tâm đồi Lim, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du, Ban tổ chức hội Lim năm 2012 và Hội những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh đã tổ chức việc xác lập kỷ lục quốc gia “Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh” với hơn 3.500 liền anh, liền chị cùng tham gia, nhằm vinh danh cộng đồng các làng quan họ và bảo tồn phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hơn 3.500 liền anh, liền chị hát quan họ xác lập kỷ lục tại Hội Lim. |
Tham dự buổi lễ có sự góp mặt của ông Nguyễn Hữu Oanh - Phó Chủ tịch Hội đồng xác lập kỷ lục Quốc gia Việt Nam, các vị lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành và cộng đồng các làng quan họ gốc, các câu lạc bộ quan họ cùng hơn 3.500 liền anh, liền chị khăn xếp, áo the, áo mớ ba mớ bảy nón thúng quai thao và hàng nghìn du khách, nhân dân.
Những liền chị nhỏ tuổi... |
... tiếp nối những nghệ nhân lưu giữ di sản văn hóa quan họ vô giá của nhân loại. |
Đăc biệt, tham gia xác lập kỷ lục có nhiều liền chị mới 5-6 tuổi và nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế - 93 tuổi. Mặc dù tiết trời giá rét song từ tờ mờ sáng, hàng nghìn liền anh liền chị đã tập trung đông đủ ở trường THPT Nguyễn Đăng Đạo để diễu hành ra trung tâm đồi Lim. Ngay sau khi đội hình vào sân hội, lễ khai mạc xác lập kỷ lục diễn ra với bài hát quen thuộc của người dân miền quan họ “Khách đến chơi nhà”, do NSƯT Khánh Hạ xướng câu đầu.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Oanh đã trao bằng xác lập kỷ lục quốc gia “nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh nhất” cho đại diện Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Tiên Du và Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh. Buổi lễ khép lại với dàn đồng ca hát bài ca “Giã bạn”.
Các liền chị mời trầu cánh phượng trong điệu hát ngọt ngào. |
Theo ông Trần Đình Luyện, Phó Chủ tịch Hội Những người yêu dân ca quan họ Bắc Ninh: Việc xác lập kỷ lục là một hoạt động văn hoá nhằm góp phần khẳng định giá trị nhân loại và sự trường tồn, sức sống mạnh mẽ của dân ca quan họ Bắc Ninh trong chương trình hành động quốc gia về bảo tồn dân ca quan họ sau khi được Unessco công nhận và tôn vinh là di sản văn hoá phi vật thể, chứng minh dân ca quan họ Bắc Ninh ở nhiều thế hệ vẫn trường tồn và lan toả.
Nhiều “hạt sạn” làm phiền lòng du khách
Để đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội, Thượng tá Nguyễn Văn Vấn - Trưởng Công an Huyện Tiên Du - cho biết công an huyện đã phối hợp với Phòng CSGT, CSCĐ với khoảng trên 200 cán bộ chiến sĩ thường xuyên tuần tra kiểm soát, phân luồng giao thông xung quanh khu vực hội Lim và dọc tuyến quốc lộ 1A.
Tuy nhiên, do lượng du khách đổ về hội Lim quá lớn nên tình trạng tắc đường hàng dài vẫn không tránh khỏi. Nhiều trường hợp va chạm nhỏ dẫn đến xô xát, cãi vã. Các bãi trông giữ xe máy, ô tô tự phát được mùa “chặt chém”; tình trạng trộm cắp, móc túi hoành hành khiến nhiều du khách bực mình.
Các ngả đường dẫn về hội Lim liên tục ùn tắc. |
Một số hình thức cờ bạc trá hình vẫn còn hoạt động như trò chơi “chiếc nón kì diệu” hay chơi móc câu ăn tiền… Hàng ăn và các dịch vụ ăn theo đều tăng giá vô tội vạ làm khó cho du khách
Tình trạng ăn mày, ăn xin đeo bám, chèo kéo du khách cũng gây cảnh nhếch nhác. Bên cạnh đó, tình trạng thương mại hóa quan họ đâu đó vẫn còn tồn tại. Một số lán hát quan họ, các liền anh liền chị vẫn hát bằng tất cả tấm lòng và sự nhiệt huyết nhưng trước lán thường để chiếc nón quai thao vừa để mời khách trầu têm cánh phượng, vừa để nhận tiền “boa”. Tình trạng này diễn ra tương tự ở các thuyền quan họ. Nhiều liền anh, liền chị trẻ tuổi mang trang phục quan họ nhưng lại hát những bài hát... không liên quan
Một số thanh niên giao lưu tại các lán quan họ nhưng nhiều người lại hát những bài không liên quan gì tới quan họ. |
Anh Nguyễn Văn Tuấn, du khách Bắc Giang, chia sẻ: “Thú thực, sau khi nghe hát quan họ lại bỏ vài nghìn bạc lẻ vào chiếc nón quai thao của một liền chị, mình cứ cảm thấy ngường ngượng thế nào. Nó làm mất hết vẻ đẹp, vẻ thanh tao của câu dân ca vốn tinh tế, được cô đúc cả nghìn trăm trong vùng văn hóa Kinh Bắc. Chứ với người đi hội, vài nghìn lẻ có ai tiếc gì”.