Những thử nghiệm với kịch bản chèo
Văn hóa - Ngày đăng : 08:14, 04/02/2012
Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương muộn màng ở tuổi gần 40 nhưng đã nhanh chóng gây dấu ấn mạnh mẽ trên văn đàn Việt Nam với hàng loạt tác phẩm "Tướng về hưu", bộ truyện lịch sử "Những ngọn gió Hua Tát", "Những bài học nông thôn", "Sang sông"… Đây cũng là cây bút có nhiều tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Anh, Italia, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nguyễn Huy Thiệp cũng còn được biết đến với vai trò tác giả kịch bản một số vở kịch nói mang đậm phong cách hiện đại. Và mới đây nhất "Vong bướm" cùng "Truyền thuyết tìm vua" do NXB Thời Đại cùng Nhã Nam ấn hành đã cho thấy một Nguyễn Huy Thiệp mới - tác giả kịch bản chèo.
"Vong bướm" lấy cảm hứng từ chuyện đời cùng những trang viết của nhà thơ tài hoa Nguyễn Bính (1917-1966). Hình tượng xuyên suốt là thi sĩ Điệp Lang, người rời chốn làng quê lên thành phố để tìm kiếm lý tưởng chân - thiện - mỹ. Nhưng trên chuyến tàu định mệnh, Điệp Lang phải làm bạn cùng bốn con quỷ Rượu chè, Sắc dục, Cờ bạc và Ma túy, phải vượt qua bốn ngọn núi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Nhưng chàng thi sĩ ấy đã chết khi chưa tới được với chốn khao khát của mình. Trong "Vong bướm", Nguyễn Huy Thiệp cũng dành nhiều tâm huyết cho những nhân vật thi sĩ đương thời khác. Và dù kết cục có dữ dội, nhưng hình ảnh Điệp Lang dưới ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp vẫn là hình ảnh lãng mạn, bi tráng.
Có thể tìm thấy những trăn trở và gửi gắm đó trong một bài viết trước đó của nhà văn, rằng: "Cuộc đấu tranh của nhà văn là nhằm hướng con người thoát khỏi những mê man về quyền lực chính trị, ái tình, tiền bạc và cuồng vọng hóa thánh chính mình".
Bên cạnh "Vong bướm" là "Truyền thuyết tìm vua". Một kịch bản chèo lấy cảm hứng từ cuộc đời chúa Chổm. Không đi sâu vào những chi tiết lịch sử khi nhà Lê sơ suy đồi, Nguyễn Kim và con rể Trịnh Kiểm tìm ra chúa Chổm - giọt máu sót lại của nhà Lê để cùng giương ngọn cờ "Phù Lê diệt Mạc"… Vở chèo xoáy vào cuộc tìm kiếm một ông vua, thực ra là tìm kiếm đạo mở con đường sống bình yên cho con người. Tìm đạo cũng là tìm kiếm một cách sống an vui. Tác phẩm được đưa vào những bài hát của dàn đồng ca mang nhiều ngụ ý về thân phận con người.
Trong cả hai tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp vẫn thể hiện dấu ấn sáng tạo cá nhân trong việc xây dựng đối thoại: hài hước, bất ngờ, thâm thúy. Và chèo, như chia sẻ của Nguyễn Huy Thiệp với Hànộimới là "Chèo bây giờ không còn như cũ nữa. Tôi thích chèo cổ và cũng nghiên cứu nó lâu nay. Tôi viết để tìm lại bóng dáng của chèo cổ, giống như thưởng thức lại củ khoai lang, quả cà chua của ngày xưa. Mọi người đọc thấy thích là được".
Bạn đọc có thể gặp gỡ và nhận sách của nhà văn ký tặng trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 sáng 5-2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.