Choáng váng vì… gas
Đời sống - Ngày đăng : 08:12, 04/02/2012
Giá gas: Con ngựa bất kham
Từ sáng ngày 1-2-2012, các nhà cung cấp gas như Saigon Petro, Gia Đình Gas, Thái Dương Gas, MT Gas, Đại Việt Vinagas… thông báo, giá mỗi kilôgam gas tăng thêm 3.500 đồng, bình gas 12kg có giá từ 420.000 đến 430.000 đồng (tăng 42.000 đồng/bình). Tuy nhiên, trên thực tế, khi đến tay người tiêu dùng thông qua các đại lý bán lẻ thì giá còn được "đẩy" lên thêm nữa. Tại một số cửa hàng bán gas tại Cầu Giấy, Đống Đa ngay trong sáng 1-2, giá các bình gas loại 12kg dao động từ khoảng 425.000 đến 435.000 đồng/bình. Cá biệt có nơi được "hô" tới 450.000 đến 460.000 đồng/bình (?).
Giá gas tăng làm khó người tiêu dùng. Ảnh: Chí Tâm |
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, đây là lần thứ bảy người tiêu dùng phải chịu việc tăng giá gas: Tháng 3-2011 tăng 9.000 đến 10.000 đồng/bình, tháng 4 tăng 14.000 đồng/bình, tháng 5 tăng 30.000 đồng/bình, tháng 8 tăng 8.000 đồng/bình, tháng 12 tăng 5.000 đồng/bình. Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2012, giá gas đã tăng lên mức 74.000 đồng/bình. Lý giải nguyên nhân tăng giá liên tục như vậy, các nhà cung cấp gas giải thích là do giá gas thế giới biến động và giá dầu thô không ổn định. Cụ thể, giá gas giao trong tháng 2-2012 đã tăng thêm 145 USD/tấn so với giá bán của tháng trước, lên mức 1.025 USD/tấn, đồng thời thuế nhập khẩu xăng dầu cũng vừa mới tăng từ 2% lên 5% trong tháng 1 vừa qua. Một lãnh đạo Công ty Gas Petrolimex cho biết: "Với mức thuế nhập khẩu gas là 5% như hiện nay, người tiêu dùng phải sử dụng gas với giá cao hơn nhiều so với thế giới vì doanh nghiệp không thể bán lỗ được. Để giảm được áp lực về giá gas bán lẻ, Bộ Tài chính cần xem xét hạ thuế nhập khẩu xuống mức 2% như năm 2011 (!)".
Nguyên nhân thật thế nào có thể còn có những ý kiến khác nhau song rõ ràng, gas đang là con ngựa bất kham, không có ai kìm cương. Là mặt hàng tiêu dùng phổ biến, khá nhạy cảm mà sản xuất - kinh doanh lại phụ thuộc hoàn toàn vào giá nhập khẩu thì sự không ổn định của gas là dễ hiểu và sớm có giải pháp phù hợp, mang tính lâu dài để khắc phục là điều mang tính cấp thiết hiện nay. Dư luận đang rất bức xúc khi cho rằng, giá gas tăng cao như hiện tại chỉ có lợi cho các doanh nghiệp song lại gây nhiều biến động trong đời sống xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tới cuộc sống người dân đô thị.
Giá gas tăng, gas “dởm” sẽ hoành hành
Việc giá gas liên tục tăng cho thấy hoạt động kinh doanh gas và công tác quản lý giá của các cơ quan chức năng đối với mặt hàng này cần được xem xét lại. Trong hoàn cảnh giá cả thị trường leo thang từng ngày, thu nhập của cán bộ, công chức chưa được cải thiện nhiều thì việc gas tăng giá mạnh ngay thời điểm đầu năm là không hợp lý chút nào. "Giá gas tăng quá cao và liên tục khiến tôi rất lo. Gia đình tôi có đến 8 người cả già lẫn trẻ, đun nấu hằng ngày nhiều. Có lẽ tôi phải đi mua cái bếp than tổ ong, chịu khói bụi một chút nhưng đỡ xót ruột..." - bà Vũ Thị Dung (phường Ngọc Hà - Ba Đình) cho biết. Đây cũng là suy nghĩ của khá nhiều người nội trợ bởi việc bỗng dưng "mất" thêm từ 50.000 đến cả trăm nghìn đồng mỗi tháng cho riêng gas cũng là điều rất đáng lưu tâm.
Một hệ lụy nữa của giá gas tăng cao là sẽ gián tiếp làm gia tăng hoạt động sang chiết gas trái phép, mất an toàn. "Trong tình hình hiện nay, gas "dởm" rất dễ thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng bởi giá thấp. Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng vốn "mù mờ" về thông tin cũng rất dễ sử dụng phải các bình gas kém chất lượng, càng đến gần hơn với việc sử dụng gas không an toàn, là điều hết sức nguy hiểm" - ông Trần Đình Toàn, nhà ở đường Minh Khai (Hai Bà Trưng) nhận định.
Đó là thực tế bởi thời gian gần đây gas giả, chất lượng kém đã xuất hiện nhiều trên thị trường, trong đó nổi lên là việc "đội lốt" các hãng gas có tên tuổi. Ngày 29-11-2011, cơ quan chức năng đã phát hiện một cửa hàng tại phường 13, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) giả danh Saigon Petro để bán gas thiếu trọng lượng (bình 12kg chỉ có 6kg gas). Thậm chí, cửa hàng này còn dùng luôn logo và tên công ty để in tờ rơi với những khuyến mãi cụ thể, khiến người tiêu dùng không thể nhận biết đây là hàng giả. Vào giữa tháng 12-2011, lực lượng QLTT Lâm Đồng cũng phát hiện một vụ vận chuyển gas giả với số lượng lớn trên đường bằng xe tải... Theo Chi hội Gas phía Nam, từ đầu năm đến nay đã có 17 vụ gas giả (hơn 1.000 bình) bị cơ quan chức năng phát hiện.
Cần can thiệp ngay
Gas là mặt hàng nằm trong danh sách đăng ký và kê khai giá, vì vậy thời gian tới cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra các công ty gas, chống tình trạng tăng giá tùy tiện và quá mức. Ở thời điểm này, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đang phối hợp kiểm tra các hoạt động đăng ký, kê khai giá và bán đúng giá của các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn, vì theo quy định, doanh nghiệp khi điều chỉnh giá bán phải có văn bản giải thích lý do tăng giá và thông báo giá bán mới đến các cơ quan chức năng. Trong tháng 1-2012, Thanh tra Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt Trạm chiết gas Cát Lái (Công ty Shell Gas) và Công ty TNHH Gas Petrolimex Sài Gòn vì vi phạm về giá và tự ý tăng giá bán gas khi chưa đăng ký giá mới; lập biên bản và tiếp tục kiểm tra làm rõ đối với một số vi phạm khác của các công ty Dầu khí Anpha, Totalgas VN, Thành Tài... Ở Hà Nội, hoạt động kiểm tra cũng được cơ quan chức năng thực hiện nhưng thường chỉ tập trung vào điều kiện ĐKKD, an toàn cháy nổ… tại các cửa hàng, điểm kinh doanh, còn vi phạm về giá, về chất lượng gas thì chưa chú trọng.
Như thế là việc tăng giá gas vẫn chưa được cơ quan quản lý nhà nước hoặc có trách nhiệm quan tâm đúng mức mặc dù quy mô và tính chất của hoạt động kinh doanh mặt hàng này đang rất phát triển. Sự tùy tiện của doanh nghiệp thường "ẩn" dưới các lý do khách quan, bất khả kháng song lại gây ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông người dân và không phải khi nào cũng được dư luận xã hội đồng tình, song lại chưa được "vạch mặt chỉ tên" một cách cụ thể, rõ ràng.
Không hề quá lời khi nói rằng người tiêu dùng hiện đang phải chịu đựng sự tăng giá của gas, song sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Việc mất an toàn trong sử dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến không ít người tiêu dùng do dự, nay lại thêm chuyện giá tăng cao thì việc "quay lưng" lại với gas hoàn toàn có thể diễn ra. Khi ấy, chính các nhà sản xuất - kinh doanh gas sẽ chịu hậu quả.