Bài 2: Bảo đảm lợi ích chính đáng của dân
Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 04/02/2012
Lời hứa bay đi đâu?
Hà Nội quá tải về rác. Điều đó có thể cảm nhận được hằng ngày. Vì thế, chủ trương mở rộng bãi rác Nam Sơn là rất cần thiết, nếu không muốn nói là rất cấp bách. Dự án có diện tích gần 74ha, trong đó 36,57ha thuộc địa bàn xã Nam Sơn. Hiện nay, UBND xã đã làm xong hồ sơ kỹ thuật đất, kiểm đếm cây và tài sản khác trên đất nông lâm nghiệp thuộc dự án. Nhưng người dân Nam Sơn vẫn chưa đồng tình. Chúng tôi cứ nghĩ có lẽ người dân muốn đòi tăng giá trị đền bù, hỗ trợ nên mới như vậy. Nhưng qua tìm hiểu mới rõ, từ người dân đến lãnh đạo xã, cán bộ GPMB huyện Sóc Sơn cùng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là người dân không còn tin những lời hứa của nhà đầu tư về quyền lợi của họ!
Bãi rác Nam Sơn (giai đoạn 1) được huyện Sóc Sơn tiếp nhận đưa vào sử dụng từ năm 1999. Từ đó đến nay, rất nhiều bức xúc đã nảy sinh bởi cách làm vô trách nhiệm của một số cá nhân, cơ quan liên quan. Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Quang Hòa thẳng thắn cho biết: "Nói rằng ưu tiên cho người dân Nam Sơn mười mấy năm nay nhưng đến nay chưa có gì. Từ lời hứa cấp nước sạch, phun thuốc diệt ruồi muỗi, làm đường, đến khám, chữa bệnh đều chưa được thực hiện hoặc thực hiện không tốt".
Trước tiên là dự án nước sạch sinh hoạt. Ông Đầu Xuân Hội, 65 tuổi, ở thôn Đông Hà, xã Nam Sơn có nhà cách bãi rác Nam Sơn khoảng 500m cho biết: "Việc xây dựng đường ống khởi động 3 năm rồi nhưng đến nay chưa hoàn thành. Đường ống nước đã đến đầu thôn hơn 2 năm, nhưng nước thì… không có". Cả xã có hơn 3.500 hộ thì mới chỉ có 5% sử dụng giếng khoan, 95% còn lại phải dùng nước giếng khơi. Người dân phải tự lọc nước để dùng mà vẫn cứ lo ngay ngáy về bệnh tật. Theo Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Quang Hòa, đơn vị thực hiện dự án này là Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị trực thuộc Sở Xây dựng.
Lẽ ra, khu vực bán kính 500m từ bãi rác phải được ưu tiên đầu tư đường bê tông. Nhưng sau 12 năm bãi rác đi vào hoạt động, vẫn không có bất kỳ đoạn đường nào được đầu tư xây dựng. Cả khu vực chỉ có 400m đường bê tông, nhưng lại do người dân tự đóng góp làm. Ruồi, muỗi đối với người dân xung quanh bãi rác là cả nỗi khiếp sợ; nhưng lời hứa hỗ trợ thuốc diệt ruồi, muỗi cho những hộ trong khu vực cũng không được thực hiện. "Trong báo cáo họ bảo làm tốt, nhưng cứ đi hỏi dân thì mới rõ sự thật" - Chủ tịch xã Nguyễn Quang Hòa quả quyết. Ông còn cho biết, sau 12 năm bãi rác đi vào hoạt động đến nay, người dân Nam Sơn mới được khám bệnh miễn phí một lần, mà khám cũng không hết các đối tượng. "Ở thôn Liên Xuân, Đông Hạ, họ khám chưa hết người đã thôi" - ông nói.
Chưa hết, đến tiền hỗ trợ ô nhiễm đất cho người dân trong khu vực theo quy định 5 năm 1 lần, lãnh đạo xã Nam Sơn cũng phải đấu tranh 7 năm qua, vừa rồi mới được chi trả. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Hòa còn dẫn chứng thêm một việc là cán bộ Ban quản lý hạ tầng đô thị nợ tiền ông Nguyễn Văn Cử hơn 5 triệu đồng suốt từ năm 2003, đến cuối năm 2011 mới trả.
Lời hứa và vấn đề hài hòa lợi ích
Chính sách GPMB thu hồi đất vốn đã rất phức tạp, nay lại thêm những việc thất hứa với dân của các cơ quan thừa hành được TP giao như vậy, thì dự án cứ đình trệ. Cách làm việc vô trách nhiệm của cơ quan thừa hành đối với người dân xã Nam Sơn không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của TP, làm giảm lòng tin trong nhân dân, làm khó các nhà đầu tư mà còn làm ảnh hưởng đến nhiều dự án đang triển khai khác.
Trả lời chất vấn PV Báo Hànộimới về sự chậm trễ của dự án cấp nước cho người dân xã Nam Sơn, ông Nguyễn Gia Anh, Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng cho rằng, nguyên nhân là do còn một số hạng mục giếng khoan ở 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn chưa thể thi công do chưa có mặt bằng sạch? Cũng theo ông Nguyễn Gia Anh, sở dĩ dự án này chậm tiến độ, vì đây là công trình "nhà nước và nhân dân cùng làm"; trong đó ngân sách TP Hà Nội cấp gần 41,5 tỷ đồng, vốn huy động nhân dân đóng góp 373 triệu đồng. Song do cuộc sống của các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường quá khó khăn nên UBND huyện Sóc Sơn đã kiến nghị TP chuyển nguồn vốn nhân dân phải đóng góp sang vốn ngân sách TP... Mang những lý do này hỏi lại UBND xã Nam Sơn, Chủ tịch Nguyễn Quang Hòa tỏ ra bất ngờ và cho rằng "không có chuyện không có mặt bằng sạch để khoan giếng; lại càng không thể đổ lỗi vì lý do "nhà nước và nhân dân cùng làm" khiến dự án chậm trễ…". Để làm rõ vấn đề này, TP, Sở Xây dựng và địa phương phải vào cuộc kiểm tra nghiêm túc, quy rõ trách nhiệm cụ thể từng cơ quan liên quan ở từng hạng mục cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ việc, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Lâu nay nguyên nhân chủ yếu trong GPMB, ngoài sự chây ì của một số hộ dân, thì có nguyên nhân là sự thất tín của chủ đầu tư và sự giám sát lỏng lẻo của những ngành có liên quan. Điều này cũng đã được TP rất quan tâm giải quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho rằng có 3 vấn đề cần phải thực hiện quyết liệt để các dự án có thể triển khai là: Tuyên truyền vận động, kiểm tra và xử lý các bước đã tiến hành và thực hiện các việc đã hứa với dân. Để làm được như vậy, các cấp chính quyền phải giám sát chặt chẽ để không tái diễn tình trạng như đã xảy ra ở Nam Sơn. Cấp thiết hơn là TP cần kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện những cam kết đối với người dân liên quan đến bãi rác Nam Sơn để lấy lại niềm tin của người dân nơi đây. Một khi người dân thấy lợi ích chính đáng của mình được bảo đảm, họ sẽ hết lòng ủng hộ. Khi hài hòa được lợi ích nhà nước, người dân, nhà đầu tư, việc triển khai dự án chắc chắn sẽ suôn sẻ.