Thách thức lớn trên đường đua tới Nhà Trắng

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 04/02/2012

(HNM) - Làn sóng biểu tình

Trên thực tế, 3 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, nền kinh tế Mỹ vẫn chưa có lối thoát. Các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các ngân hàng như Goldman Sachs tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012; đồng thời cảnh báo Châu Âu và Mỹ phải đối mặt với sự trở lại của suy thoái kinh tế. Các tin xấu cũng đến từ Châu Âu liên quan đến các cuộc khủng hoảng nợ công. Trong khi đó, căng thẳng thanh khoản trong các ngân hàng Châu Âu đang đặt ra rủi ro lớn cho các ngân hàng Mỹ.

Sau một thời gian im ắng, biểu tình “Chiếm phố Wall” tại Mỹ bùng phát trở lại.


Trong bối cảnh hai bình "tài chính" thông nhau cùng khó khăn về nợ công, phong trào "Chiếm phố Wall" nổ ra hồi cuối tháng 9 năm ngoái ở phố Wall (New York) đã thể hiện sự lo lắng của người dân Mỹ trước nền kinh tế đất nước đang suy thoái. Gói cứu trợ khổng lồ được Chính phủ Mỹ tung ra để cứu phố Wall khỏi sụp đổ góp phần khiến nợ công của Mỹ tăng cao kỷ lục; đồng thời, một phố Wall ăn chặn "viện trợ" xuất phát từ tiền thuế của dân Mỹ là hai nhân tố chính khiến người dân bất bình đã làm nổ ra cuộc "Chiếm phố Wall" kéo dài đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Phần lớn những người biểu tình là thanh niên bị thất nghiệp hoặc việc làm bấp bênh và một số đã bị tịch thu nhà cửa... do nền kinh tế Mỹ lao dốc. Theo họ, tầng lớp trung lưu làm việc chăm chỉ nhưng vẫn nghèo trong khi phố Wall là một bức tranh tương phản đi kèm với sự giàu có vô độ. Đây sẽ là những thách thức mà đương kim Tổng thống Barack Obama phải vượt qua trong cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay. Trong 3 năm của nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông B.Obama được nhìn nhận là đã có bước đi dài trong cải cách y tế Mỹ và tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden, rút quân Mỹ khỏi Iraq... Nhưng, tỷ lệ thất nghiệp cao, sức mạnh nền kinh tế số 1 thế giới chưa được cải thiện, nợ công vẫn chồng chất... sẽ gây khó cho vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ trên đường đua. Đây cũng sẽ là thách thức lớn nhất trong năm 2012 của Mỹ mà ông B.Obama đang thuyết phục cử tri Mỹ về một "bình minh đang ló rạng".

Chưa thể khẳng định gì nhiều vào lúc này nhưng thông tin mới nhất là ngày 1-2 vừa qua, một nhóm nghị sĩ Dân chủ đã đệ trình lên Thượng viện "Luật Công bằng thuế". Dự luật này còn được biết với tên gọi không chính thức là "Luật Buffet" - theo tên của tỷ phú Warren Buffet - nhằm đảm bảo rằng những người có thu nhập ở mức từ 1 triệu USD/năm trở lên phải chịu mức thuế suất thuế thu nhập tối thiểu là 30%. Tuy nhiên, nhiều khả năng Dự luật "Luật Buffet" sẽ vấp phải sự phản đối của các Thượng nghị sĩ Cộng hòa. Theo các nhà phân tích, Dự luật thể hiện đồng quan điểm với Tổng thống B.Obama đứng về phía tầng lớp trung lưu trong cuộc chạy đua tái đắc cử cuối năm nay; trong khi đó, các ứng viên của đảng Cộng hòa lại nghiêng về tầng lớp thượng lưu. Ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa Mitt Romney, người có thu nhập hàng năm khoảng 21 triệu USD, cũng chỉ phải nộp thuế ở mức 13,9% trong năm 2010. Thái độ do dự của ông Romney trong công khai mức thuế thấp này (chưa bằng nửa mức thuế của cô thư ký) được cho là một nguyên nhân làm giảm lòng tin của cư tri Florida và cử tri cả nước Mỹ với vị cựu Thống đốc 66 tuổi này.
"Cơm áo gạo tiền" đang khiến cuộc bầu cử Mỹ cuối năm nay thêm kịch tính. Đương kim Tổng thống B.Obama có thể đánh bại được đối thủ từ đảng Cộng hòa hay không phụ thuộc phần lớn vào việc ông chèo lái nền kinh tế nước Mỹ ra sao trong năm 2012 này.

Thùy Dương