Cần chú trọng phát triển kinh tế biển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia
Chính trị - Ngày đăng : 11:04, 06/01/2023
Đa số các đại biểu cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được xây dựng công phu, nghiêm túc với khối lượng thông tin phong phú, đa dạng, khoa học. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu quan điểm: Để Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính đồng bộ và chiến lược, cần chú trọng đến phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng biên…
Sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia
Thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc quy hoạch chiến lược kéo dài gần 30 năm cần lưu ý yếu tố về quy hoạch khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của quy hoạch chiến lược và thực hiện các kịch bản tăng trưởng. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, quá trình quy hoạch tiến hành trong thời kỳ biến đổi sâu sắc, do đó, yêu cầu của quy hoạch là phải giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn con người, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Về quá trình thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ tịch nước đề nghị tiết giảm chi phí, nguồn lực trong thực hiện quy hoạch; phải có hành lang phát triển mới, đậm nét hơn, nhất là hành lang kinh tế Đông - Tây. Chủ tịch nước cũng lưu ý thể chế phải đi cùng với sự phát triển; quan tâm phát triển đô thị trung tâm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thành các cực tăng trưởng của đất nước; quá trình thực hiện phải tuân thủ và bảo đảm tính liên tục, kế thừa của quy hoạch…
Nhận định việc chưa quy định cụ thể phương pháp tích hợp các hợp phần trong quy hoạch quốc gia nội dung trong quy hoạch tỉnh, thành phố, chưa có hướng dẫn về bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu tích hợp gây khó khăn cho địa phương..., Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ quy định cụ thể để tháo gỡ cho địa phương, trong đó, cần ban hành nghị định cụ thể làm rõ bước đi, cách làm, tránh phức tạp trong quá trình thực hiện quy hoạch tích hợp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, qua tiếp cận hồ sơ, tờ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia có thể thấy Chính phủ đã rất nỗ lực, công phu trong quá trình chuẩn bị. Khẳng định đây là nhiệm vụ rất phức tạp và cấp bách, do đó, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng để Quy hoạch tổng thể quốc gia khi được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh.
“Việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ là cơ sở quan trọng để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiều đột phá, lồng ghép nhiều quy hoạch trong quy hoạch tổng thể. Đại biểu cũng đánh giá cao quy hoạch đất liền gắn với không gian biển; quy hoạch không gian ngầm cũng là vấn đề được quan tâm, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, tạo hiệu quả bền vững.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, quy hoạch công nghiệp chưa thể hiện rõ sự ưu tiên cho lĩnh vực cụ thể, do đó, Chính phủ cần xem xét giai đoạn nào thì ưu tiên lĩnh vực nào để tránh đầu tư dàn trải. Lưu ý đây là quy hoạch 30 năm, đại biểu cho rằng đã thấy chữ “treo” trong đó, người dân thuộc quy hoạch có thể sẽ gặp khó khăn trong bảo đảm quyền lợi. Đại biểu đề nghị thể chế phải đi liền với quy hoạch để bảo đảm quyền lợi của người dân trong thực hiện quy hoạch nhỏ trong quy hoạch tổng thể.
Đại biểu cho rằng, quy hoạch phải khả thi, mà muốn khả thi thì phải làm rõ nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
“Khâu thể chế rất quan trọng để thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia khi trước đây đầu tư khá dàn trải, các cực tăng trưởng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không thể bứt phá được. Quy hoạch mới phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Chú trọng quy hoạch biên giới quốc gia
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch đề cập đến không gian biển cho các ngành, lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển. Tuy nhiên, quy hoạch lại không đề cập đến ngành công nghiệp điện (điện gió, điện nắng). Thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều đảo có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp này.
“Trong quy hoạch, cần chú trọng đến xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ra sao, quy hoạch thế nào? Đồng thời, có quy hoạch tổng thể để phát triển ngành thủy hải sản; quy hoạch không gian phát triển của các đảo, hải đảo không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc quy hoạch biên giới quốc gia cũng như định hướng phát triển cửa khẩu biên giới có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, quy hoạch cần hướng đến việc tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc gần biên giới càng tốt, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều quan trọng là giúp người dân sống đoàn kết và cùng nhau bảo vệ chủ quyền biên giới hòa bình, an toàn. Để làm được điều đó, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần dành nhiều nguồn lực ưu tiên hơn nữa cả về đầu tư cơ sở hạ tầng đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển về mọi mặt cho người dân sinh sống tại các vùng biên.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả mới là vấn đề chính mà các đại biểu Quốc hội cũng như người dân quan tâm. Trong đó, quy hoạch cần chú trọng đến phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, hướng đến phát triển “nền kinh tế số”, “nền kinh tế xanh”; định hướng phát triển không gian biển…
“Việt Nam là một quốc gia biển nhưng trong Quy hoạch chưa làm rõ những tiềm năng, thế mạnh cũng như chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta ra sao. Vì thế, chúng ta cần bổ sung và làm rõ quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh kinh tế và môi trường biển”, đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận xét, đây là quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó, chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia. Trong đó, các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào? Những vấn đề này chưa được đề cập trong quy hoạch. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.
Đại biểu cũng cho rằng, trong quy hoạch, cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì; ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao... để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.
Về vấn đề kinh tế biển, đại biểu quan tâm đến phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam, theo đó, cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, chú trọng quy hoạch các cảng – hải cảng ven biển để trở thành nơi thu hút, phát triển kinh tế, du lịch.