HĐND các cấp thành phố Hà Nội ban hành nhiều cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển ở địa phương
Chính trị - Ngày đăng : 11:33, 06/01/2023
Dự hội nghị có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn...
Đổi mới đáp ứng thực tiễn
Theo báo cáo của Thường trực HĐND thành phố tại hội nghị, trong năm 2022, HĐND các cấp thành phố đã tổ chức thành công các kỳ họp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung của thành phố. Hoạt động giám sát, khảo sát đúng trọng tâm, trọng điểm thuộc lĩnh vực quan trọng, được cử tri quan tâm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Hoạt động tiếp công dân của đại biểu HĐND các cấp được thực hiện đúng quy định. Công tác tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức đổi mới; việc đánh giá, rà soát và giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được tăng cường, phát huy hiệu quả cao. Việc phối hợp, điều hòa, hướng dẫn hoạt động với các cơ quan có liên quan và HĐND các cấp được duy trì kịp thời, chặt chẽ, rõ trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả cao...
HĐND thành phố đã tổ chức 7 kỳ họp quyết định các nhiệm vụ theo thẩm quyền; ban hành 59 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, kịp thời, có tác động sâu rộng đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô.
HĐND cấp huyện đã tổ chức tổng số 129 kỳ họp (trong đó 60 kỳ họp thường lệ, 69 kỳ họp chuyên đề); ban hành 830 nghị quyết (trong đó có 263 nghị quyết thường kỳ, 441 nghị quyết chuyên đề và 126 nghị quyết về nhân sự). HĐND cấp xã tổ chức 953 kỳ họp, ban hành 4.852 nghị quyết, trong đó có 1.059 nghị quyết chuyên đề, 617 nghị quyết về nhân sự.
Các nghị quyết ban hành đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách đặc thù và các biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; là cơ sở pháp lý quan trọng, điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành tăng cường quản lý đầu tư, mở ra hướng đi mới nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế và chăm lo đến đời sống dân sinh.
Cũng trong năm 2022, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 2 cuộc giám sát chuyên đề bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Thường trực HĐND cấp huyện đã tổ chức 172 cuộc giám sát chuyên đề với các nội dung phù hợp với thực tế tại địa phương. Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 2 phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; công tác quản lý đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên. Thường trực HĐND 29 quận, huyện, thị xã đã tổ chức 45 phiên giải trình.
Tiếp tục nâng cao chất lượng quyết định và giám sát
Tại hội nghị, đại diện Thường trực HĐND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Phúc Thọ, Thạch Thất… đều khẳng định, trong năm 2022, HĐND các cấp thành phố đã bám sát Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đảm bảo chủ động, khoa học, linh hoạt, thiết thực...
Để nâng cao chất lượng hoạt động năm 2023, Thường trực HĐND các địa phương cho rằng, HĐND các cấp cần tiếp tục cải tiến, đổi mới các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND theo quy định, trong đó tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.
Đặc biệt, công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc trả lời và giải quyết các kiến nghị của cử tri; việc giải quyết các kết luận, kiến nghị giám sát cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả để tăng cường hiệu lực, hiệu quả; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, năm 2022, HĐND các cấp thành phố đã tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, cùng hệ thống chính trị của thành phố hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; thành phố tiếp tục lựa chọn chủ đề là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đề nghị HĐND các cấp thành phố cần tiếp tục “Chủ động, đồng hành, thực chất, hiệu quả”, phát động sâu rộng các phong trào thi đua, lan tỏa sự đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trong đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12-5-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nhất là đồng chí bí thư, thường trực, ban thường vụ cấp ủy; sự phối hợp chặt chẽ giữa thường trực HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các cơ quan liên quan trong triển khai các nhiệm vụ.
Chú trọng tăng cường lực lượng chuyên trách để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ; đồng thời tập trung khai thác nội dung về chế tài trong thực hiện, nếu không thực hiện tốt, không có chuyển biến khi thực hiện kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình thì sẽ xem xét trong quá trình đánh giá, quy hoạch, khen thưởng…, vì chủ trương này được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất rất cao.
“Với quận, thị xã thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cần lan tỏa thiết thực, vừa động viên, khích lệ, vừa trang bị cơ sở pháp lý, truyền cảm hứng để hoạt động HĐND các cấp được xuyên suốt, đồng bộ”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng yêu cầu HĐND các cấp tiếp tục cải tiến, đổi mới các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, thường trực HĐND, các ban HĐND theo quy định. Trong đó, tăng cường việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND theo phương châm đi đến cùng kết quả thực hiện. Tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị các đại biểu HĐND các cấp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; đổi mới công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại của công dân theo hướng sâu sát, cụ thể, định lượng được kết quả và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải quyết kiến nghị cử tri và đơn thư của công dân, để HĐND thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Trong việc tiếp công dân, nhiều vụ việc để kéo dài, do đó, thường trực HĐND các cấp lưu ý nêu cao trách nhiệm trong tiếp dân, tiếp dân theo vụ việc.
Tại hội nghị, 40 tập thể, 21 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động của HĐND các cấp thành phố năm 2022.