Không ùn tắc nghiêm trọng

Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 02/02/2012

(HNM) - Hôm qua 1-2, thành phố bắt đầu thực hiện đổi giờ học, làm việc ở 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Theo ghi nhận của PV Báo Hànộimới, dù còn một số bỡ ngỡ, nhưng kết quả khá tích cực…

Cảnh sát giao thông hướng dẫn giao thông tại ngã năm Ô Chợ Dừa (ảnh chụp lúc 7 giờ sáng 1-2-2012). Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Áp lực chưa lớn

Theo ghi nhận của PV, buổi sáng ngày đầu thực hiện việc đổi giờ học, làm việc, trên một số tuyến phố có nhiều trường đại học, cao đẳng, tình hình giao thông khá ổn định. Từ 6h30, mật độ giao thông trên nhiều tuyến thường bị tắc nghẽn trong giờ cao điểm như Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La… bắt đầu tăng, nhưng đến hơn 8h vẫn không xảy ra ùn tắc kéo dài.

Anh Nguyễn Hồng Thủy, nhà ở Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết, so với những ngày trước đây, tình hình giao thông khá ổn định, không xảy ra tình trạng chen lấn nghiêm trọng. Anh Phùng Minh Tuấn, người thường xuyên đi làm theo tuyến đường Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng cho biết, việc đi lại nói chung dễ chịu hơn… Tuy nhiên, tại một số nút giao thông vẫn có tình trạng ùn ứ, nhưng không kéo dài quá lâu.

Được coi là lực lượng mũi nhọn trong công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn TP, từ 6h sáng, lực lượng CSGT Đường bộ - đường sắt đã triển khai thực hiện nhiệm vụ và khung giờ cao điểm được xác định là 6h đến 9h thay vì từ 6h đến 8h30 như trước đây. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - đường sắt CATP cho biết: Phương án tăng cường lực lượng, bố trí những tổ công tác của các đội CSGT đã được triển khai. Mỗi đội quản lý địa bàn đều phải xác định những điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc để có phương án bố trí lực lượng, giải quyết các sự cố phát sinh. Ngoài 5 tổ công tác 141 và 15 tổ xử lý vi phạm mũ bảo hiểm đang được triển khai, phòng còn đẩy mạnh xử lý nghiêm những lỗi vi phạm dẫn đến ùn tắc và TNGT như dừng, đỗ sai quy định, chở hàng hóa cồng kềnh, tránh vượt sai... Về hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hiện phòng CSGT đã khảo sát và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với sự thay đổi giờ làm việc, học tập của người dân. Tại những nút giao thông được xem là điểm nóng về ùn tắc, phòng cũng có phương án tăng cường thêm CBCS phối hợp với CA các phường và đặc biệt là lực lượng CSGT tham gia hướng dẫn, phân luồng chống ùn tắc trong những giờ cao điểm.

Tại chốt giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Trung úy Đồng Văn Bắc, Đội CSGT số 7 cho biết: Ngày đầu TP triển khai khung giờ làm việc mới, phương tiện tham gia giao thông giảm hơn mọi ngày, nhất là vào thời gian cao điểm 6h30 đến 8h30, không xảy ra tình trạng ùn tắc và không có tai nạn.

Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc nhận định, trong những ngày đầu triển khai việc điều chỉnh giờ làm việc và học tập tại 10 quận và 2 huyện ngoại thành, áp lực giao thông sẽ không lớn bởi lượng người tham gia giao thông chưa đông như ngày thường. Những ngày sắp tới, khi lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng và người lao động ở các nơi trở về Hà Nội học tập và làm ăn, chắc chắn sẽ nảy sinh những bất cập mới. Với chức năng là lực lượng điều khiển giao thông, phòng CSGT sẽ tiếp tục vừa làm vừa điều chỉnh các phương án nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông.

Dành nhiều thời gian thị sát giao thông trên những tuyến trọng điểm, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân cho biết, tình hình trong ngày đầu thực hiện đổi giờ khá tốt. Hiện tượng ùn tắc kéo dài không xảy ra, nút ùn tắc cá biệt chỉ mất khoảng 3 nhịp đèn là có thể qua, bình thường nhiều cũng chỉ 2 nhịp. Các phương án dự phòng xe buýt tăng cường chưa phải sử dụng đến nhiều.

Chiều 1-2, ghi nhận diễn biến mới vào giờ cao điểm chiều, nhìn chung, các phố tuyến phố cũng khá ổn định. Dọc phố Bà Triệu đến Đại Cồ Việt, Xã Đàn đi lại không gặp khó khăn, tuy nhiên, đến Phạm Ngọc Thạch, xuất hiện ùn tắc kéo dài do ô tô nhiều, đi hai hàng. Phải mất hơn mười phút, mới có thể đi qua đoạn phố chỉ chừng 1km này theo hướng từ Xã Đàn tới Chùa Bộc. Tuyến Chùa Bộc đi Thái Hà, 17h45 cả hai bên không xuất hiện ùn tắc nghiêm trọng. Bến xe buýt gần cổng Học viện Ngân hàng khá đông sinh viên chờ xe. Trước cổng trường, thanh niên tình nguyện cũng khá vất vả để cùng "đèn giao thông" điều chỉnh, hướng dẫn người tham gia giao thông. Tuy nhiên, sau đó tuyến này đã bị ùn tắc từ khoảng 18h đến 18h30.

Hơn 18h, trên phố Cát Linh - Giảng Võ, ngã 4 Điện Biên Phủ - Trần Phú, ngã 4 Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng, tình hình cũng tương đối tốt. Dẫu vậy, một ngày chưa thể đánh giá chính xác hiệu quả của giải pháp đổi giờ. Đi thực tế trên các tuyến phố vào chiều 1-2, có thể thấy nguy cơ ùn tắc tiềm ẩn rất lớn. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp đồng bộ tiếp theo để khắc phục tình hình, đặc biệt là khi nhịp sống xã hội quay trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết.

Hôm nay (2-2) , Sở GTVT sẽ có báo cáo nhanh gửi UBND thành phố, Bộ GTVT về ngày đầu thực hiện việc đổi giờ học, làm việc.

Xe buýt "dễ thở" hơn

Để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại sau khi đổi giờ, đặc biệt là với học sinh, sinh viên, thời gian hoạt động phục vụ giờ cao điểm của hệ thống xe buýt được kéo dài hơn 60 phút so với trước đó. Cụ thể, cao điểm sáng sẽ bắt đầu từ 6h đến 9h, cao điểm chiều từ 16h30 đến 19h30. Trên những tuyến có nhiều trường đại học, lượng phương tiện cá nhân cao như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Xuân Thủy… sẽ tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay đến 7 phút-8 phút/lượt… Sở GTVT cũng điều chỉnh giờ chạy và tăng chuyến của 7/11 tuyến buýt nhanh.

Đánh giá về công tác phục vụ hành khách bằng xe buýt, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải công cộng TP Nguyễn Hoàng Hải cho biết, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. So với mọi khi, hệ thống xe buýt vận hành tốt, đi về đúng kế hoạch hơn do đường phố không ùn tắc. Trưởng Trung tâm Điều hành xe buýt (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) Nguyễn Thủy cũng cho biết, nhìn chung mạng lưới xe buýt của tổng công ty hoạt động thuận lợi trong ngày đầu đổi giờ. Trong ngày 1-2, Tổng Công ty tăng cường 138 lượt chuyến trên 7 tuyến trọng điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Trên những trục quan trọng thường bị tắc như Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy - QL 32, đã thông thoáng hơn, xe buýt đi, về đúng giờ hơn. Nhờ việc tăng thời gian phục vụ cao điểm nên số lượng hành khách trên xe vào giờ cao điểm giảm đáng kể. Trước đây, vào khoảng 6h30 đến 7h30 sáng, trên những tuyến trọng điểm, xe buýt thường chật cứng với hơn 100 hành khách, nhưng trong sáng 1-2 xe nhiều cũng chỉ gần 100 khách. Nhờ giảm được số hành khách dồn ứ quá đông trong thời gian ngắn, nên không chỉ hành khách mà cả các đơn vị vận tải cũng "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, ông Thủy nhận định lượng sinh viên về thành phố học tập sau kỳ nghỉ Tết có thể chưa đầy đủ, nên các phương án dự phòng vẫn luôn sẵn sàng cho những ngày tới.

Học sinh khối THPT vất vả

Ghi nhận thực tế tại một số cổng trường học trong ngày đầu tiên HS thực hiện lịch học mới theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cho thấy, vào khoảng thời gian đầu giờ và khi tan học của các ca sáng, chiều đa phần HS nhỏ tuổi (gồm mầm non, tiểu học, THCS) đều không gặp trở ngại gì lớn bởi giờ vào học muộn hơn đến nửa tiếng so với trước đây. Nhưng với cấp THCS và THPT thì có nhiều xáo trộn.

Có mặt tại giờ tan học ca sáng tại cổng Trường THCS Thạch Bàn (quận Long Biên) lúc 12h15 phút thấy đa phần HS khá uể oải do thời gian tan học muộn hơn trước. Em Lê Quang Thái (HS lớp 8) cho biết: Nhanh nhất thì cũng phải 15 phút nữa em mới được ăn cơm trưa. May mà đang là mùa đông, chứ nếu là mùa hè thì chắc sẽ vất vả hơn nhiều lắm, vì nắng và đói bụng. Long Biên là quận mới thành lập, nên các trường học khi xây dựng đều khang trang, đủ phòng học để HS không phải học hai ca. Ca học buổi chiều thường không phải là chính khóa nên lãnh đạo phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường lùi thời gian bắt đầu vào học buổi chiều muộn hơn và chỉ bố trí với thời lượng 3 tiết/buổi để tránh tình trạng lộn xộn vào khoảng thời gian giao thoa giữa ca sáng và ca chiều.

Ở một số nơi khác, như Trường THCS Ngô Sĩ Liên - quận Hoàn Kiếm, do HS phải học hai ca, khoảng thời gian từ lúc tan ca học buổi sáng đến giờ bắt đầu vào học ca chiều quá ngắn, chỉ 30 phút, nên đã xảy ra tình trạng lộn xộn phía ngoài cổng trường.

Khác với mọi khi, hôm qua, 14h30 phút HS Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) mới bắt đầu vào học tiết 1 của ca chiều để bảo đảm giờ tan học là sau 19h theo như quy định mới. Thế nhưng, từ hơn 13 giờ, tại cổng trường đã có khá đông HS đến và tụ tập ngay phía ngoài cổng trường do bảo vệ chưa mở cổng. Chị Nguyễn Thị Lệ, một phụ huynh cho biết, giáo viên chủ nhiệm đã nhắc nhở phụ huynh không cho HS đến trường quá sớm, vì 14h mới mở cổng, song vì phải đi làm nên vẫn đưa con đến. Điều chị lo là nếu như trước kia, khi xong việc, chị có thể đến đón con rồi về nhà chuẩn bị bữa tối, thì nay, con chị phải mất khoảng 1 tiếng trên hai tuyến xe mới về đến nhà ở quận Long Biên, chưa kể bị lỡ xe. Đặc thù của HS khối THPT là không phải em nào cũng học tại trường theo nơi cư trú, thậm chí, có em nhà ở Cự Khối (Long Biên) nhưng lại đi học ở tận Trường THPT Trung Văn (Từ Liêm). Tan học quá muộn không bảo đảm an toàn và sức khỏe là nỗi lo chung của nhiều bậc phụ huynh có con ở tuổi mới lớn như chị Lệ. Theo ý kiến chị, việc đổi giờ học nên ưu tiên trước hết đến lợi ích của HS, chứ nếu kéo dài như hiện nay thì các em quá vất vả và hiệu quả chưa chắc đã đạt như mong muốn.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT, trong tổng số 510 nghìn HS thuộc đối tượng phải điều chỉnh giờ học thì có hơn 90 nghìn em là HS THPT, trong đó có khoảng 40% (36 ngàn em) học ca chiều, tức là tan học sau 19h. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên thực hiện, HS một số trường được về sớm hơn bởi chỉ học 3 tiết, 2 tiết còn lại dành cho việc họp hội đồng nhà trường theo quy định.

Nhóm phóng viên