Chợ “chờ công” Bát Tràng
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:04, 02/02/2012
Không chỉ người ở các xã trong huyện mà chợ "chờ công" Bát Tràng (tên người dân địa phương đặt cho khu chợ) đã trở thành "điểm đến" của nhiều LĐ ở vùng giáp ranh của tỉnh Hưng Yên, Hải Dương...
Chỉ sợ không có sức
Những ngày cuối tháng Chạp, trời rét cắt da cắt thịt nhưng 6h sáng, tại khu chợ Bát Tràng đã râm ran tiếng người, xen tiếng xuýt xoa. Đủ cả đàn ông, đàn bà, thanh niên, trung tuổi… Phụ nữ thì nai nịt gọn gàng áo ấm, khăn mũ kín mít còn cánh đàn ông thì "làm" chén trà nóng, điếu thuốc để xua tan cái giá lạnh.
"Bao nhiêu năm nay vẫn thế…" - chị Trần Thị Lan, xã Văn Giang, Hưng Yên bắt đầu câu chuyện. "Mưa gió hay nắng nóng thì chúng tôi vẫn phải có mặt ở đây từ 5-6h sáng để bắt đầu làm việc từ 7h. Đến muộn dễ lỡ mất cơ hội hoặc phải làm những công việc vất vả, thu nhập lại không cao. Chúng tôi toàn người cùng làng, cùng xã, người nọ rủ người kia cứ đến giờ là cả đoàn đạp xe đi làm nên cũng không ngại mà lại vui". Chưa có thống kê cụ thể số lượng LĐ tìm đến chợ mỗi ngày nhưng với gần 700 lò nung đỏ lửa tại Bát Tràng, chắc chắn số lượng LĐ phổ thông cần đến không phải là nhỏ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thị trường xuất khẩu của Bát Tràng ngày càng mở rộng và trong nước, Bát Tràng được biết đến như làng nghề du lịch nổi tiếng. Đó cũng là lý do mà chị Lan và những người LĐ mà chúng tôi gặp tại chợ đều lắc đầu khi nghe đến hai chữ: thất nghiệp. "Ở đây chỉ lo không có sức khỏe để làm việc lâu dài".
Tại chợ "chờ công" Bát Tràng, 99% người lao động không làm nghề hay có kiến thức về nghề gốm nhưng vẫn có việc dành cho họ. Những người sức dài, vai rộng có thể vận chuyển than, trộn, nắm, phơi than, xếp than vào lò, dọn lò… Khéo léo, nhanh nhẹn và đã có chút kinh nghiệm có thể làm các công việc như đổ rót sản phẩm, phơi, sửa sản phẩm, đưa sản phẩm vào lò, hay công đoạn sắp xếp, dỡ sản phẩm ra lò... "Chẳng ai tay quen ngay cả nhưng nếu chịu khó quan sát và học hỏi dần thì chỉ sau một thời gian ngắn là thuần thục. Ngày làm 8 tiếng, công mỗi ngày cho LĐ phổ thông từ 80.000 - 100.000 đồng, cơm nước mang sẵn từ nhà nên thu nhập ổn định và cao hơn làm nông. Một số em trẻ tranh thủ buổi trưa học thêm kỹ năng làm gốm để có thể chuyển sang làm các công đoạn khác, như vậy thu nhập mỗi giờ có thể được trả đến cả trăm ngàn đồng" - anh Mạc Văn Hùng, xã Hữu Hòa, Gia Lâm cho biết. Thế nên, ngoài những thợ gốm lành nghề trưởng thành qua những ngày làm thuê từ năm này sang năm khác thì những năm gần đây, chợ "chờ công" Bát Tràng còn "tiếp nhận" cả lực lượng không nhỏ học sinh, sinh viên mỹ thuật, có khiếu hội họa đến tìm việc rèn nghề…
Tự phát mà hiệu quả
Mặc dù hình thành tự phát hơn 20 năm qua, đến nay Bát Tràng có hai địa điểm chợ "chờ công": trước cửa UBND xã và khu chợ Bát Tràng. Chợ hoạt động khá trật tự và không gây nhiều phiền toái khiến chính quyền và cơ quan chức năng địa phương phải "để mắt" đến. Anh Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Công an xã Bát Tràng cho biết: Các điểm tập trung những người LĐ tìm việc cho đến nay chưa xảy ra vụ việc gì liên quan đến an ninh trật tự cũng như giao thông của địa phương. Những trường hợp trộm cắp, gây rối trật tự hầu như không xảy ra. Số lượng LĐ tập trung tìm việc ở đây với nhiều độ tuổi từ 18 đến 55, chủ yếu là phụ nữ. Họ tập trung từ rất sớm và chỉ đến 7h sáng, hầu hết số LĐ đã tản về các gia đình, số không có việc làm là rất ít. Đối với những LĐ có tay nghề, chuyện tìm việc ở đây rất dễ, vì các chủ gốm đòi hỏi người làm phải biết một số thao tác trong công việc để đỡ phải "chỉ bảo" nhiều. "Chúng tôi khuyến khích mỗi người dân Bát Tràng thuê LĐ phải nêu cao tinh thần tự cảnh giác, tố giác tội phạm và thường xuyên làm công tác điểm danh điểm diện, xác minh hai chiều, đồng thời chú ý tuyên truyền luật, ý thức cộng đồng đến những đối tượng LĐ. Ở đây, cơ chế tự quản lý vẫn là chủ yếu". Hơn nữa, LĐ tìm việc đều là nông dân khó khăn trong cuộc mưu sinh, ngày ngày họ vượt hàng chục cây số đến đây chờ việc và cùng nhau chia sẻ công việc, không gây hấn, không tranh chấp nhau. Tất cả đều tự vận động, bươn chải, chỉ bảo nhau. Tự bao giờ, khu chợ "chờ công" Bát Tràng là nhịp cầu giúp hàng ngàn nông dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.