Ngăn cơn “hồng thủy”
Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 02/02/2012
Sự đồng tình của 25/27 quốc gia EU về một hiệp ước siết chặt các quy định tài chính và trừng phạt các thành viên từng được đề cập trong lần nhóm họp hồi tháng 12 năm ngoái khẳng định Châu Âu đã nhận diện được điểm yếu của một liên minh tiền tệ mạnh nhất thế giới.
Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính, tiền tệ mặc dù bị hai thành viên là Anh và CH Séc từ chối đã thể hiện kỳ vọng của Lục địa già nhằm "cắt cơn" căn bệnh tiêu nhiều hơn thu như một nguyên nhân chính đang khiến cơ thể tài chính EU suy kiệt. Dù chưa thể quá lạc quan trước một hiệp ước còn ướt mực, nhưng sự đồng thuận với đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel của hầu hết các quốc gia EU, nhiều hơn con số 17 nước Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã tạo một con đê đủ chắc - ít nhất là vào lúc này - để ngăn cơn "hồng thủy" nợ công đang ập đến Lục địa già.
Chưa được áp dụng cho đến tháng 3 năm nay, tuy nhiên, khi các nước tham gia phải giảm nợ xuống mức 60% GDP, hy vọng nợ công tại nhiều nước Châu Âu được kiểm soát là cơ sở để các nhà lãnh đạo châu lục tin tưởng hiệp ước sẽ là cơ sở củng cố lòng tin của các nhà đầu tư với Châu Âu. Đưa các cam kết cân bằng ngân sách vào luật của mỗi nước cùng sự ràng buộc về pháp lý là mục tiêu của những nhà "làm luật" Châu Âu nhằm tránh một thảm kịch nợ công tương tự trong tương lai; đồng thời là nền tảng cơ bản hướng tới một liên minh tài chính lành mạnh hơn để hoàn thiện về một Châu Âu nhất thể toàn diện. Trên tinh thần ấy, sự kiện các nhà lãnh đạo EU vừa nhất trí khởi động Cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro từ tháng 7 năm nay - sớm hơn một năm so với dự kiến - để nhanh chóng hỗ trợ các quốc gia đang đánh mất thanh khoản là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thanh toán cơn bão nợ đang hoành hành trên khắp châu lục.
Đến thời điểm này, sau 16 hội nghị thượng đỉnh và con số không ít hơn các cuộc gặp gỡ, thảo luận các cấp độ khác, Châu Âu như đã tìm ra được đầu mối quan trọng để gỡ mớ rối tài chính. Đã có tín hiệu lạc quan khi giới tài chính Châu Âu nhận định rằng với các biện pháp cứng rắn mới nhất, cuộc khủng hoảng chưa từng có ở Châu Âu có khả năng sẽ bớt nghiêm trọng hơn trong năm 2012 này.
Mặc dù vậy, thắt lưng buộc bụng hay tiêu pha dè sẻn hơn cũng không phải là cách thức để lục địa vốn giàu có này nhanh chóng lấy lại được phong độ. Vì chi tiêu khắc khổ đồng nghĩa với giảm việc làm và giảm tăng trưởng khi tỉ lệ thất nghiệp của 17 nước thuộc Eurozone đã lên tới 10,4%, mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời. Đây là chỉ số báo động ít người nghĩ tới. Trong bối cảnh như vậy, khuyến khích tạo thêm việc làm mới; hoàn thành thị trường chung; đồng thời thúc đẩy đầu tư vào các nền kinh tế vừa được xác định là ba ưu tiên chính của Châu Âu trong Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã trở thành niềm phấn khích cho khoảng 23 triệu người đang nhàn cư khắp Cựu lục địa. Bên cạnh đó, những biện pháp mới của EU cũng đã giúp định hình một kế hoạch phát triển mang tính tổng thể cho cả Châu Âu trong tương lai gần.
Khi các lãnh đạo Châu Âu rời Brussels, số phận của Hy Lạp với món nợ công khổng lồ có thể gây đổ vỡ bất cứ lúc nào vẫn là mối lo lớn nhất. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, các chủ nợ tư nhân sẽ chấp nhận giảm tới 70% nợ cho "con bệnh" lớn nhất này để mạng lại sự sống cho xứ sở Thần thoại. Điều này đồng nghĩa với sự cứu nguy cho cả Eurozone. Thỏa thuận hoán đổi giúp Hy Lạp giảm được 100 tỷ euro nợ và tiết kiệm hàng tỷ euro tiền thanh toán lãi suất vừa đạt được tại Brussels sẽ giúp không chỉ Athens tránh được thảm kịch vỡ nợ không kiểm soát vào ngày 20-3, mà còn khiến gánh nặng nợ công của Châu Âu nhẹ đi đáng kể.
Hành trình lấy lại những gì đã mất về tài chính của Châu Âu là không dễ dàng. Song, với quyết tâm chính trị vượt bậc như vừa diễn ra tại Brussels, thế giới thêm một lần tin rằng, Châu Âu sẽ "tiền hung hậu cát" để sẽ lại tiếp tục góp phần mạnh mẽ vào sự hưng thịnh toàn cầu như mong đợi của cả thế giới trong năm mới 2012 này.