Thế vận hội: Góp mặt, ghi danh

Thể thao - Ngày đăng : 07:38, 01/02/2012

(HNM) - Không ít người nêu quan điểm, đại ý "thà rằng chỉ có 5 VĐV dự Olympic nhưng có tối thiểu 1 huy chương, còn hơn có đến 30 VĐV được góp mặt tại Thế vận hội nhưng ra về tay trắng". Nhưng trên thực tế, ngay việc giành được quyền dự Olympic đã là một niềm tự hào, thể hiện bước phát triển của nền thể thao mỗi quốc gia.

"Chưa bao giờ nở rộ như kỳ này" - Không phải ngẫu nhiên mà PCT kiêm TTK UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang khẳng định như vậy. Ông Giang phân tích: "Việt Nam có 7 VĐV được góp mặt tại Olympic Sydney năm 2000, 11 VĐV tại Olympic Athens 2004, 13 VĐV tại Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng trong số đó, rất nhiều VĐV được đặc cách chứ không phải chính thức vượt qua các vòng đấu tuyển chọn. Còn với Olympic London 2012, tính đến thời điểm này, ta đã có 7 VĐV giành vé chính thức, chưa kể 1 VĐV dự bị. Nếu giành thêm 2 vé chính thức sẽ hơn Olympic Bắc Kinh 2008" (có 8 vé chính thức).

VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh. Ảnh: Nhật Linh


Thời gian tới, Việt Nam còn rất nhiều VĐV tiếp tục tham dự các cuộc thi vòng loại và có rất nhiều cơ hội. Ví như cầu lông có Nguyễn Tiến Minh, bơi lội có Hoàng Quý Phước (hiện đã vượt chuẩn B Olympic), Ánh Viên, Thái Nguyên; điền kinh còn Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Dương Việt Anh, Huệ Hoa, Lê Thị Phương; cử tạ có Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Thúy; rowing có Phạm Thị Hài, Phạm Thị Thảo, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Nguyên… Chưa kể một số đại diện của bắn cung, boxing, bóng bàn, đấu kiếm, canoeing.

"Điều đáng quý, ấy là Việt Nam có đến 15 môn trên tổng số 28 môn thể thao Olympic có cơ hội cử VĐV đi London tranh chấp huy chương. Nghĩa là, nói một cách hình ảnh, 15 môn thể thao của ta đã có thể "mon men đến bờ để chuẩn bị xuống thuyền đi Olympic"! Điều đó rất đáng giá khi nhận định về sự phát triển của TTVN" - ông Giang nhấn mạnh.

Ít ai biết rằng những Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (TDDC), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng)… suýt nữa đã mất cơ hội đến Olympic London 2012. Ông Hoàng Vĩnh Giang giải thích, "đã có lúc, một số nhà quản lý dự định chỉ tập trung cho 4 môn trọng điểm, là cử tạ, taekwondo, karate và 1 môn võ khác, theo kiểu môn nào có VĐV đạt chỉ số thành tích gần với mức huy chương Olympic thì mới đầu tư để gặt huy chương. Nhưng nếu làm thế thì TDDC, bắn súng… với những Hà Thanh, Phước Hưng, Xuân Vinh làm gì còn cơ hội đến London nữa".

Đầu tư theo kiểu "ngắt ngọn" có rất nhiều hệ lụy. Thứ nhất, điều gì sẽ xảy ra nếu hạt nhân kỳ vọng giành huy chương bị chấn thương, tai nạn bất ngờ ? Thứ hai, cái hại khôn lường là làm sứt mẻ lực lượng, bởi VĐV giỏi của các môn bị loại khỏi danh sách đầu tư trọng điểm sẽ bỏ nghiệp, công đào tạo bao năm đều đổ xuống sông. Cuối cùng và quan trọng nhất, khó có thể có một nền thể thao mạnh nếu chỉ phát triển vài môn vì thành tích trước mắt.

Ở góc độ khác, muốn "quý hồ tinh, bất quý hồ đa" thì trước hết phải đầu tư, lựa chọn được nhân tài, tạo cơ hội cho càng nhiều môn có đại diện đến được vòng tranh chấp huy chương càng tốt. Việt Nam từng có HCB Olympic của Hiếu Ngân (taekwondo), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), chứng tỏ vẫn có thể có giải pháp dung hòa để một mặt, có được nhiều VĐV được góp mặt tại Thế vận hội và mặt khác, đầu tư thực sự thích đáng cho hạt nhân huy chương nhằm ghi danh trên "bảng phong thần" tại đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.

* 7 VĐV đã giành vé chính thức dự Olympic London 2012: Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (TDDC), Diệu Linh, Lê Huỳnh Châu (taekwondo), Văn Ngọc Tú (judo), Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng). Ngoài ra, còn có 1 VĐV được ở danh sách dự bị là Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC).
* Có 30 VĐV tiếp tục tham dự các cuộc thi vòng loại trong năm 2012 và chờ đợi suất đặc cách, ở các môn cầu lông, điền kinh, bơi lội, rowing, cử tạ, vật, kiếm, boxing, canoeing, bóng bàn, bắn cung.
* Có 3-4 môn có hy vọng giành huy chương là cử tạ (đang chờ danh sách chính thức dự Olympic), TDDC, taekwondo, bắn súng.

Thu Minh