Không thể thua trên “sân nhà”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 01/02/2012
Sản phẩm của Công ty Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam (Vinatex) được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Hậu Phạm
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, đến năm 2011 cả nước có 8.591 chợ truyền thống, 97% số đó đã thực hiện đúng chức năng và hoạt động có hiệu quả. Cả nước cũng có khoảng 615 siêu thị; 102 trung tâm thương mại và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, tập trung ở các thành phố lớn, các địa phương có khu công nghiệp. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa được lưu thông qua hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm 15-20%, số còn lại là qua hệ thống chợ truyền thống và các hộ tư thương. Những năm gần đây, tổng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa trên thị trường nội địa đã có sự chuyển biến tích cực, tăng bình quân 13,9%/năm. Riêng năm 2011, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ bình quân hằng tháng đạt hơn 20% so với năm trước, với mức lưu chuyển hàng hóa cả năm đạt hơn 1.994 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 29,3%. Mặc dù có sự cạnh tranh mạnh của các tập đoàn DN đầu tư nước ngoài, song một số DN bán lẻ trong nước đã tích cực mở rộng thị trường, trong đó có các DN thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)với hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích được khai trương ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng Công ty Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam thuộc Vinatex mỗi năm tiêu thụ 11 triệu sản phẩm. Thời gian tới, DN này sẽ xây dựng lộ trình cụ thể về sức tiêu thụ hàng năm đối với từng nhóm hàng. Ngoài ra, một số DN khác như Tập đoàn Phú Thái cũng có kế hoạch đặt hàng, phân loại, bao gói, chế biến hàng hóa, bán lẻ, chăm sóc khách hàng… với 2.000 điểm phân phối, bán lẻ...
Tuy nhiên, việc phát triển thị trường nội địa còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức là các DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào phân phối, bán lẻ tại Việt Nam, như Metro, Lotte, BigC… có nguồn tài chính mạnh, liên tục mở rộng phạm vi hoạt động, gây sức ép không nhỏ lên DN "nội". Trong khi điểm yếu cơ bản của DN Việt Nam là đã có thời gian dài chỉ chú trọng tới sản xuất phục vụ xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường "nội" và chỉ sau khi khủng hoảng kinh tế thế giới, xuất khẩu khó khăn, các DN nội mới quay về thị trường trong nước. Nhưng, không ít DN lại cho rằng, phát triển thị trường "nội" khó hơn so với làm thị trường xuất khẩu do tiềm lực tài chính hạn chế, đầu tư 5-10 năm mới thu lại vốn, khiến nhiều DN không kiên trì. Đó là chưa kể phần lớn DN còn hoạt động nhỏ lẻ, chưa tạo được chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Hệ thống phân phối trên thị trường chưa rõ, chưa xuất hiện nhiều hệ thống phân phối của các DN có tiềm lực lớn mà chủ yếu là chợ trung tâm, các đại lý của các đơn vị sản xuất và phân phối ngoài tỉnh, hoạt động theo kiểu chợ truyền thống... Vẫn biết, thực trạng này không hẳn là do lỗi của DN mà còn nhiều yếu tố khách quan khác nhưng phải thừa nhận hiện nay các DN trong nước vẫn chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ, thiếu vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu. Trong danh sách Top 500 DN lớn trong nước vừa được xếp hạng không thấy có DN phân phối. Trong khi độ mở của nền kinh tế nước ta trong những năm qua khá lớn, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng hóa thiết yếu chủ yếu là nhập khẩu, phụ thuộc vào giá hàng hóa thế giới...
Theo Bộ Công thương, năm nay dự kiến tổng mức bán lẻ thị trường nội địa ước đạt khoảng 100 tỷ USD. Trong giai đoạn 2011-2020, dự kiến tăng trưởng bình quân 10%/năm, tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa trong nước chiếm khoảng 20% GDP. Để đạt được mục tiêu này, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường "nội" không đơn giản chỉ là một phân khúc thị trường, mà còn là "hậu phương" vững chắc cho các DN. Bởi, muốn cạnh tranh được trên thương trường quốc tế, trước hết phải cạnh tranh được trên "sân nhà". Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, nếu DN trong nước không phấn đấu chiếm lĩnh thị trường nhà, sẽ khó cạnh tranh được với những tập đoàn nước ngoài, bởi cơ hội cho hàng Việt khẳng định vị trí trên thị trường này ngày càng ít. Các DN cần liên kết xây dựng thị trường, tiêu thụ sản phẩm của nhau, tạo sức cạnh tranh với DN "ngoại". Đặc biệt, hàng tiêu dùng phải phát triển nhanh hệ thống hiện đại theo mô hình chuỗi, mở rộng địa bàn các không gian kinh tế, lấy khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu là trung tâm để phát triển các kênh lưu thông qua vùng nông thôn. Đồng thời, DN cần làm tốt công tác dự báo thị trường để có những thông tin chính xác nhằm ứng phó phù hợp...