Kết cấu hạ tầng nông thôn Việt Nam: Còn khoảng cách lớn giữa các vùng, miền
Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 01/02/2012
Hệ thống giao thông nông thôn được chú trọng phát triển trong thời gian qua.Ảnh: Khánh Nguyên
Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, tỷ trọng hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản khu vực nông thôn đã giảm từ hơn 71% (năm 2006) xuống còn 62%; tỷ trọng hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 25% lên 33,2%. Toàn quốc có 10,36 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 106.000 hộ. Trong nội bộ nhóm hộ nông, lâm và thủy sản, hộ nông nghiệp có xu hướng giảm đi, trong khi hộ lâm nghiệp và thủy sản tăng lên. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Văn Liệu cho rằng, cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi nhanh đã thể hiện xu hướng chuyển đổi tích cực trong hoạt động sản xuất ở nước ta.
Năm 2011, thu nhập của hộ nông dân đã tăng 2,5 lần so với năm 2006. Tích lũy của hộ dân nông thôn cũng tăng lên theo sự phát triển của kinh tế đất nước, bình quân một hộ nông thôn đạt 16,8 triệu đồng, tăng 2,5 lần. Đây là kết quả quan trọng trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ nhằm cải thiện điều kiện sống, sức khỏe, phát triển sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn. Trong những kết quả nổi bật đó phải kể đến phong trào xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Hiện cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, chiếm 98,6% tổng số xã (năm 1994 là 87,9%, năm 2001 là 94,5% và năm 2006 là 96,9%).
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả lớn nhất của cuộc tổng thống kê lần này đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về thực trạng cũng như những vấn đề của nông thôn, nông nghiệp và thủy sản hiện nay ở Việt Nam. Trong đó, vấn đề nóng bỏng và còn nhiều bất cập nhất là vệ sinh môi trường. Hiện cả nước mới chỉ có 18,3% số xã và 8,4% số thôn có xây dựng hệ thống thoát nước thải chung; 43,5% số xã và 22,4% số thôn có tổ chức (hoặc thuê) thu gom rác thải… Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn cũng chưa đều giữa các vùng và địa phương. Điển hình là về điện khí hóa, mặc dù số thôn sử dụng điện tăng rất nhanh ở miền núi nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh miền núi phía Bắc tỷ lệ thôn chưa có điện khá cao như Lai Châu 29,2%, Điện Biên 24,9%, Cao Bằng 22,3%... Về giao thông nông thôn, còn nhiều tỉnh có gần 1/3 số thôn ô tô không thể đến được như Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Lai Châu, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long… Đặc biệt, hệ thống thư viện xã phát triển rất chậm, mới có 10% số xã có thư viện, chỉ tăng được 3% trong 10 năm trở lại đây. Việc đầu tư, phát triển, mở rộng hệ thống nhà trẻ, lớp mẫu giáo, hệ thống dịch vụ y tế tư nhân đến cấp thôn vẫn còn hạn chế và phát triển không đồng đều giữa các vùng, các địa phương… Tốc độ chuyển dịch ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp có sự chênh lệch cao giữa các vùng. Tỷ trọng các hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ tăng từ 11,3% lên 16,6%, vùng Tây Nguyên từ 10,2% lên 12,3%...
Theo bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê), kết quả điều tra cảnh báo, nếu chúng ta muốn nông dân giữ nghề và phát triển ngành nông nghiệp thì phải thay đổi cơ chế, chính sách, nếu không nông dân sẽ bỏ nghề nông và chuyển sang làm các ngành nghề khác có giá trị kinh tế và thu nhập cao hơn. Hiện nay, lợi nhuận của nông dân quá thấp, trong khi các chi phí thì cao hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác. Ví dụ chủ trương để nông dân trồng lúa lãi ít nhất 30%, nhưng thực tế số lãi này vẫn chưa đủ để nông dân có thể trang trải cuộc sống. Do vậy, để nông dân giữ đất, giữ nghề và yên tâm sản xuất thì phải có chính sách hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống cư dân nông thôn.
Hệ thống giao thông đến cấp thôn được chú trọng phát triển mạnh với 89,5% số thôn ô tô có thể đi đến. Mạng lưới điện đến các xã được đầu tư, mở rộng. Nếu năm 1994 cả nước mới có 60,4% số xã và 50% số thôn có điện, năm 2006 các con số tương ứng là 98,9% và 92,4% thì đến năm 2011 có tới 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện. Cả nước chỉ còn 16 xã ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện. Mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao nông thôn đã phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến năm 2011 đã có 81,5% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn; 38,7% số xã có nhà văn hóa; 48% xã có sân thể thao…