Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt

Kinh tế - Ngày đăng : 07:03, 01/02/2012

(HNM) - Nhiều mặt hàng Việt Nam

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã cùng 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ và 7 tỉnh, thành Đông Nam bộ ký kết hợp tác trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Các địa phương sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp của 20 tỉnh, thành hợp tác mở rộng sản xuất và mạng lưới phân phối. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tích cực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, sự hợp tác khi đi vào thực tiễn sẽ giúp công tác điều phối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường… thuận lợi hơn, từ đó doanh nghiệp có điều kiện hơn để phát triển. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, sự hợp tác của chính quyền nhằm giảm thủ tục hành chính sẽ giúp doanh nghiệp bớt rất nhiều thời gian và chi phí sản xuất kinh doanh.

Đầu tháng 1 vừa qua, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cũng đã ký kết hợp tác với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối hàng Việt tại các địa phương này. Đề án "Phát triển thị trường cho hàng Việt tại 6 tỉnh, thành phố miền Đông" được thực hiện trong năm 2012 với các mảng chính là kết nối và phát triển sản phẩm - thị trường; chia sẻ kinh nghiệm quản trị, bán hàng, đẩy mạnh chương trình hàng Việt về nông thôn, phát triển vùng nông sản bền vững…

Không chỉ ở các tỉnh, thành trên cả nước, theo bà Vũ Kim Hạnh, trong năm 2012 các doanh nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng thị trường sang Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc… Các chuyến đi khảo sát, kết nối cơ hội kinh doanh ở thị trường Trung Quốc và ASEAN cũng đang được thực hiện nhằm mang hàng trong nước tiếp cận sâu hơn với thị trường khu vực.

Phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" tập trung vào chiều sâu

Năm nay, phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức cũng sẽ có nhiều đổi mới, tập trung vào chiều sâu hơn. Theo BSA, các doanh nghiệp sẽ tập trung đưa hàng Việt về nông thôn ở các thị trường mới, vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên. Không chỉ quảng bá hàng Việt và bán hàng, mục tiêu năm nay là phải "cắm" được các điểm bán, thiết lập
hệ thống cửa hàng phân phối. Ban đầu, nếu mỗi doanh nghiệp chưa thể mở được điểm phân phối thì các doanh nghiệp sẽ chung nhau mở một điểm. BSA và Hội Doanh nghiệp HVNCLC sẽ làm việc với địa phương để được hỗ trợ địa điểm, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên bán hàng… Như vậy, hàng Việt sẽ đến với người tiêu dùng nhiều hơn, khắc phục được nhược điểm trước đây là hàng Việt chỉ đi qua một lần, đã được người tiêu dùng chấp nhận, muốn mua nhưng sau đó lại không biết mua ở đâu.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quan hệ công chúng của Nutifood, đơn vị tham gia tất cả các phiên chợ bán hàng về nông thôn từ năm 2009 đến nay cho biết, những phiên chợ về nông thôn mang lại doanh thu cho công ty ít nhất gấp 200%, nhiều nơi đến 400%, so với bình thường. Công ty cũng đã mở được nhiều đại lý phân phối ở những nơi phiên chợ đi qua như Bình Phước, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp… Nghiên cứu mới đây về xu hướng tiêu dùng của Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Neilsen cho thấy, có đến 83% người tiêu dùng (được hỏi) ở Hà Nội và 90% ở TP Hồ Chí Minh trả lời là sẽ mua hàng Việt Nam nhiều hơn.

Với dân số trên 80 triệu người, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.400 USD/người/năm, thị trường nội địa còn rất tiềm năng. Tuy nhiên, năm 2012 dự báo còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt vì các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… bị suy giảm; còn thị trường nội địa thì hàng giả, hàng nhái trôi nổi rất nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tăng cường kiểm soát thị trường trong nước, kiên quyết xử lý hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả; đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng kém chất lượng từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh không lành mạnh cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Thùy Linh