Ý nghĩa to lớn từ sự đóng góp của nhân dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 01/02/2012

(HNM) - Vừa qua, dư luận và báo giới thảo luận rất sôi nổi xung quanh đề nghị thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và thu phí xe giờ cao điểm vào thành phố của Bộ trưởng Đinh La Thăng.


Nếu trưng cầu ý kiến, tôi ủng hộ đề nghị trên của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Mặc dù, nếu chủ trương trên được thi hành, thì bản thân tôi và những người trong gia đình sẽ phải bỏ ra một khoản chi nhất định. Nhưng suy cho cùng, việc đóng góp này của mỗi người, không phải là để cho ai khác, mà trước hết là để phục vụ trở lại cho những người tham gia giao thông, nhất là những người có ô tô, xe máy.

Mọi người ai cũng mong muốn cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước ta sớm được cải thiện. Song không phải ai cũng biết để đạt được điều mong muốn đó thì cần rất nhiều vốn, rất nhiều ngân sách. Mà bất kể nhà nước nào trên thế giới, dù giàu đến đâu, thì nguồn đầu tư từ ngân sách cho giao thông cũng như cho nhiều lĩnh vực khác, như y tế, văn hóa, giáo dục... cũng không phải là vô hạn. Nhà nước nào cũng cần huy động sự tham gia đóng góp của người dân, của toàn xã hội, để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển của đất nước.

Trong các ý kiến trao đổi xung quanh đề nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhiều người thường băn khoăn về khả năng đóng góp của nhân dân ta là có hạn. Nhân dân ta, nói chung là chưa giàu, điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng phải chăng người có phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) hoàn toàn không có khả năng trả phí tham gia giao thông? Tôi nghĩ rằng, không nên nêu lý do "nhân dân ta nghèo" một cách chung chung. Người mua sắm được xe máy có thể nghèo hơn người có xe ô tô, nhưng vẫn hơn người không mua sắm được xe máy. Vả lại, đối với người nghèo, Nhà nước ta đã có những chính sách riêng chăm lo cho người nghèo. Những người mua được ô tô hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng, thì mỗi năm đóng lệ phí giao thông vài chục triệu đồng là hoàn toàn có đủ khả năng đóng. Với xe máy, mức thu thấp hơn, 500.000 đồng - 1.000.000 đồng cũng là hoàn toàn có thể. Cách đây hơn chục năm, chúng ta vẫn thu phí cầu, phà, đò ngang với cả người đi bộ. Đến nay, hệ thống cầu đường tốt hơn; đò, phà hầu như không còn nữa, nếu như Nhà nước không thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân thì chúng ta đã bỏ qua một nguồn lực đóng góp từ những người hằng ngày tham gia giao thông trên đường.

Ngoài ra, không ít người tham gia giao thông cũng muốn sẵn sàng chia sẻ, đóng góp nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước trong việc duy tu, bảo dưỡng đường sá, bảo vệ môi trường... Đó cũng là việc làm "góp gió thành bão", để một khi nguồn lực tăng thêm thì đất nước ta càng sớm có đường, có cầu... phục vụ cho nhân dân đi lại ngày càng thuận lợi. Vả chăng, sự đóng góp đó cũng còn là lẽ công bằng giữa những người có ô tô, xe máy và những người không có ô tô, xe máy tham gia giao thông trên đường.

Ngoài việc thu phí để Nhà nước có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông của đất nước, thì việc thu phí như là một trong các biện pháp góp phần hạn chế phương tiện giao thông vào giờ cao điểm cũng là biện pháp mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Đi ra nước ngoài, chúng ta thấy chất lượng đường sá, giao thông của nhiều nước trên thế giới tốt hơn của chúng ta. Nhưng để có được hệ thống đường sá đó, có được trật tự kỷ cương giao thông như thế, người dân, người tham gia giao thông các nước đó đã phải chấp nhận đóng góp phí giao thông; chấp nhận những mức xử phạt cực kỳ nghiêm khắc khi vi phạm... thì mới có được cơ sở hạ tầng giao thông và trật tự, kỷ cương như vậy.

Vừa qua, có những ý kiến viện lý do "vì nhân dân ta còn nghèo" cũng cần được trao đổi lại. Mục đích việc chúng ta thu phí không phải để làm cho nhân dân ta nghèo hơn, mà chính là để đất nước và nhân dân ta sớm giàu lên thông qua việc cùng nhau chung sức cải thiện hạ tầng giao thông của đất nước. Nếu chúng ta không mạnh dạn đổi mới, mạnh dạn áp dụng những chủ trương, biện pháp mà trên thế giới nhiều nước đã làm, thì vô tình, chúng ta chỉ càng làm kéo dài cái sự nghèo nàn, lạc hậu của nhân dân và đất nước ta so với thế giới mà thôi.

Có thể đề nghị của Bộ trưởng Đinh La Thăng rất cần được trao đổi, bàn thêm về cách thu, mức thu và cách quản lý, sử dụng tiền thu; nhưng xét về đạo lý, về chủ trương, thì đó là chủ trương đúng cần được ủng hộ, mà mục đích không có gì khác hơn là để cùng với Nhà nước làm tốt hơn việc phục vụ trở lại cho chính những người tham gia giao thông hằng ngày được an toàn, thuận lợi hơn mà thôi.

Minh Dân