Nhiều mục tiêu cho năm mới
Kinh tế - Ngày đăng : 06:53, 30/01/2012
Sản xuất dây dẫn điện tử tại Công ty Sumi Hanel. Ảnh: Huy Hùng
Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến tăng 13%, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5% so với năm 2011. Giải bài toán phát triển sản xuất, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng sử dụng máy móc, hàng hóa nội địa, tăng cường hoạt động quản lý thị trường để bảo vệ hàng hóa trong nước. Đồng thời yêu cầu các DN cần khai thác tối đa năng lực sản xuất để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế như: điện, than, xăng dầu, phân bón, sắt thép xây dựng...; các sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu. Bộ cũng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Đây là lĩnh vực đóng góp tích cực vào GDP và xuất khẩu. Nhóm hàng này tuy có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn, nhưng giá trị gia tăng còn thấp. Do vậy thời gian tới cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị kim ngạch; chuyển dịch mạnh vào chế biến sâu, phát triển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm sinh thái có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và thương hiệu mạnh.
Để thúc đẩy xuất khẩu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13%, đạt kim ngạch 108,8 tỷ USD, Bộ tập trung giải pháp chủ chốt là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường mở ra từ các FTA, đồng thời rà soát cơ cấu mặt hàng, thị trường để phát triển các mặt hàng mới và thị trường mới có tiềm năng, tập trung vào 3 nhóm hàng chủ lực: Nhóm hàng nông, thủy sản dự kiến đạt kim ngạch 20,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 18,6%. Nhóm hàng khoáng sản có lợi thế về tài nguyên nhưng giới hạn nguồn cung, do vậy, mục tiêu giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến. Kim ngạch có thể đạt 12 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 11,1% (giảm 1,8%); Nhóm hàng công nghiệp chế biến phấn đấu đạt 67,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 62,2%...
Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu, việc nhập khẩu tích cực sẽ được quan tâm, ngay cả nhóm thiết yếu cho sản xuất. Dự kiến, nhập khẩu năm 2012 khoảng 121,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2011. Phấn đấu giảm tỷ lệ nhập siêu. Giải pháp giảm nhập siêu tập trung vào đẩy mạnh chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu; phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên, nhiên, vật liệu, xây dựng hàng rào kỹ thuật, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ giá để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.
Hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp và xuất - nhập khẩu rất cần vai trò cân đối cung - cầu thị trường trong nước, nhất là những mặt hàng trọng yếu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân. Theo kế hoạch, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2012 sẽ tăng khoảng 22% so với năm 2011, ước đạt khoảng 2.445 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu quan trọng là cơ bản hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống phân phối theo hình thức hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi), trước hết tại các thành phố và đô thị lớn.