Những cánh đồng vàng ở Chương Mỹ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:33, 30/01/2012

Chương Mỹ không chỉ nổi tiếng khắp vùng với nhiều làng nghề quanh năm sôi động. Gần đây Chương Mỹ còn vươn lên trở thành điểm sáng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng với nhiều cánh đồng vàng đạt giá trị 100-200 triệu đồng/ha/năm.


Thu hoạch rau đầu năm tại HTX Chúc Sơn.

Với địa thế vùng bán sơn địa, không thuận lợi cho trồng lúa, việc tìm hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm bền vững cho người nông dân là trăn trở của lãnh đạo huyện nhiều năm nay. Huyện ủy Chương Mỹ đã ra nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với dồn điền đổi thửa giai đoạn 2006-2010: Trồng các cây, con giống giá trị kinh tế cao trên đất đồi gò, vận động dân thay đổi tập quán canh tác. Huyện xây dựng cơ chế khuyến khích nông dân chuyển đổi như hỗ trợ giống, tham quan mô hình sản xuất hiệu quả cao, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp. Đến nay, nông thôn Chương Mỹ đã có nhiều khởi sắc: Thoát khỏi thế độc canh trồng cây sắn và cây ngô, nhiều vùng chuyên canh, sản xuất tập trung hình thành.

Thị trấn Chúc Sơn, thủ phủ của huyện đang đổi thay bên cạnh sự sầm uất của các DN, trung tâm thương mại, phố chợ thì khu nông nghiệp ven sông Đáy hơn 70ha cũng rất trù phú với các vùng chuyên rau năng suất cao.

Mô hình chuyên rau thôn Giáp Ngọ cho thu nhập nhiều hộ đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Cây rau ở đây trồng trên đất phù sa sông Đáy. Trước đây, hiếm có nhà trồng đến 1 vạn cây rau bắp cải/lứa vì vợ chồng con cái gánh nước tưới cũng đã oằn vai. Giờ nhiều nhà trồng vài vạn bắp cải/lứa thấy không vất vả, hệ thống mương máng tưới tiêu thuận lợi, Nhà nước lại miễn tiền thủy lợi phí, các loại vật tư nông nghiệp đều được HTX cung ứng đầy đủ cũng như các loại dịch vụ BVTV, bảo vệ đồng ruộng, khuyến nông… Năm 2011 và cả những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn này, gần 1.000 hộ chuyên rau ở Chúc Sơn thắng lớn, rau trồng không sâu bệnh, năng suất cao lại được giá. Một số loại rau thế mạnh được bà con trồng nhiều là rau thương phẩm, với phương thức mùa nào thức nấy như su hào, cải bắp, hành hoa, xà lách, rau mùi... vào vụ đông xuân và tiếp tục quay vòng đất trồng các loại đậu, bí, cải ngọt... vào vụ hè thu. Thời gian cho thu hoạch 1 lứa rau khoảng 30 - 60 ngày, tùy thuộc vào loại cây trồng, tính ra một năm làm được 6 - 8 lứa, giá trị thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, thậm chí đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Rời vùng chuyên rau TT Chúc Sơn, chúng tôi đến gặp ông Đinh Văn Lại (thôn bãi, xã Trần Phú) đang tất bật chăm sóc vườn bưởi, cam, chanh. Ông Lại hồ hởi: "Sau 5 năm, hơn 1.000 gốc bưởi Diễn, cam Canh và chanh đào đang cho ra những lứa quả đầu tiên. Nhờ đất tốt, chất lượng quả ngon không kém gì so với giống bưởi gốc Cầu Diễn (Từ Liêm)". Toàn bộ bưởi, cam trong trang trại đã được các chủ hàng Hà Nội mua bao thầu. Ông Trần Trung Diễn (xã Trần Phú) nhận xét: "Nhờ chọn cây trồng phù hợp, người nông dân yên tâm với công việc. Nhiều lao động trẻ đã gắn bó hơn với công việc quê nhà, đem lại thu nhập ổn định". Theo nhiều chủ hộ tại xã Trần Phú, cây bưởi Diễn, cam Canh đã giúp người dân thay đổi đời sống, tạo việc làm ổn định cho nông dân Chương Mỹ. Ông Hoàng Văn Thám - Phó phòng Kinh tế huyện nhận xét: "Nông dân Trần Phú sau khi dồn điền đổi thửa đã phát triển trồng cây ăn quả. Chất lượng cam Canh, bưởi Diễn ở đây đều tốt, tạo thương hiệu riêng".

Theo ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, những năm gần đây, bên cạnh đẩy mạnh chăn nuôi, nhân dân được Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ tín dụng nhân dân xã tiếp vốn đã đưa nhiều giống cây trồng hiệu quả vào sản xuất như: bưởi Diễn, nhãn chín muộn, cam Canh. Năm 2012, huyện tiếp tục thực hiện dự án rau an toàn vùng ven đáy 150ha, dự án nuôi trồng thủy sản Trung Hòa, Thanh Bình, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ 200ha. Thực hiện chuyển 150ha đến 200ha đất vàn cao và đất màu sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Bạch Thanh