Giảm lãi suất - cách nào?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 30/01/2012
Do đó, việc giảm lãi suất cho vay là vấn đề cấp thiết để bảo vệ an toàn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo giảm lãi suất cho vay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên đây là một bài toán hết sức khó khăn. Từ năm 2008 đến 2011, kinh tế Việt Nam tăng trưởng không cao như giai đoạn trước đó và luôn tiềm ẩn bất ổn vĩ mô thông qua mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát (tăng trưởng đạt 6%; lạm phát trung bình là 14,4%/năm và biên độ dao động từ 6,9% lên tới 23%). Do vậy, năm 2012 sẽ có không ít thách thức đặt ra trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề lãi suất. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Lạm phát có thể giảm xuống dưới 10% nhưng lãi suất vẫn cao và điều này tiếp tục tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp. Nhận định này không phải không có lý.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2012. Lý do chính ở đây là rủi ro kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Một vấn đề nữa, lòng tin của người dân chưa phục hồi, bằng chứng là dòng tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế không còn tăng mạnh như trước. Đây cũng là một nguyên nhân tác động tới việc giảm lãi suất. Tiếp đến là vấn đề nợ xấu. Chi phí cho các khoản nợ xấu và nhu cầu dự trữ thanh khoản sẽ đẩy khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay lên cao… Như vậy, có thể thấy việc giải bài toán hạ lãi suất liên quan đến hàng loạt vấn đề và không thể tách rời chiến lược tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Nhiều giải pháp đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra như tái cấp vốn trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước nhằm giải quyết thanh khoản để hỗ trợ sản xuất; tăng dự trữ bắt buộc, tạo nguồn cho Ngân hàng Nhà nước điều hòa vốn từ ngân hàng dư thừa sang ngân hàng thiếu vốn; mở rộng cơ chế cho phép các ngân hàng kinh doanh vàng tài khoản để sử dụng nguồn vốn từ vàng bổ sung cho thanh khoản của hệ thống… Khi có điều kiện thích hợp như kỳ vọng lạm phát giảm mạnh, lạm phát được kiểm soát thì có thể bỏ trần lãi suất huy động và giảm lãi suất tiền vay…
Vấn đề cốt lõi của thị trường lãi suất là tình trạng lộn xộn trên thị trường liên ngân hàng. Một số ngân hàng nhỏ thường xuyên thiếu vốn buộc phải vay vốn từ các ngân hàng khác với lãi suất cao hơn lãi suất cho doanh nghiệp vay. Vòng xoáy kinh doanh trong hệ thống ngân hàng đã tạo ra không ít hệ lụy. Do vậy, trước mắt Ngân hàng Nhà nước cần sớm có phương án điều tiết vốn cho thị trường này. Khi thị trường liên ngân hàng bình ổn, nhu cầu vay vốn lẫn nhau trong hệ thống ngân hàng sẽ giảm mạnh, các ngân hàng lớn sẽ dư thừa vốn buộc phải giảm lãi suất cho vay để tìm đầu ra, kéo mặt bằng lãi suất cho vay toàn thị trường đi xuống.
Giảm lãi suất cho vay là bài toán khó và không thể tách rời chiến lược tái cơ cấu hệ thông ngân hàng đặc biệt là ngân hàng thương mại. Tuy nhiên nếu không có các giải pháp tích cực, nếu các ngân hàng tiếp tục "neo" lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục khốn đốn.