Ngừng đập rồi, trái tim yêu Hà Nội
Giáo dục - Ngày đăng : 06:03, 30/01/2012
Dù biết rằng, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật, dù đã dự cảm khi ông mắc bạo bệnh cách đây 7 tháng, dù đã tiên lượng ông sẽ đi xa trong ngày một ngày hai khi đến thăm ông vào chiều 28 Tết, nhưng tin Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc ra đi vẫn khiến trái tim những học trò của ông, những ai đã từng được gặp ông, trò chuyện cùng ông nhói đau.
Lần giở những cuốn sách ông viết đề tặng "Thoa Vàng mà tôi yêu quý", khi tôi mới chập chững bước vào nghề, ông gọi tôi là "cô trò nhỏ", còn sau này ông gọi là nhà báo, nước mắt tôi rơi nhòe trang sách. Thầy ơi, sao đến tận bây giờ, em mới nhận ra, thầy đã dõi theo bước đường em đi, để rồi ghi nhận sự trưởng thành của cô học trò nhỏ, vốn không giỏi văn mà lại theo nghề viết lách, qua lời đề tặng. Và cho đến lúc này, em mới thấu rằng, trong sự trưởng thành ấy của em và biết bao học trò từng được thầy dạy dỗ ở những ngôi trường thầy đã công tác, đặc biệt là ở Trường Hà Nội B, sau này đổi tên thành Lý Thường Kiệt và Việt Đức từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ trước, có công ơn to lớn của thầy.
Ngày trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bao thế hệ học trò của thầy đã bị cuốn vào những bài giảng văn, đặc biệt là văn học cổ, những giờ lịch sử, địa lý vốn thường khô khan. Nhưng ít trò nào biết rằng, để có những thông tin cuốn hút đến thế, thầy đã ngày ngày đi điền dã, tra tìm tư liệu ở các nguồn để thêm vào nội dung giảng dạy giúp cho học sinh thấy thú vị và nhớ lâu. Bởi thế, không có gì lạ khi vào những năm 60, thầy đã là giáo viên dạy giỏi toàn miền Bắc và trở thành Nhà giáo Ưu tú. Cũng bắt nguồn từ tình yêu với nghề dạy học, với học trò, thầy đã yêu dải đất này và dành trọn cuộc đời nghiên cứu, viết về nó, trước tiên là trên các báo Thủ đô Hà Nội (tiền thân của Báo Hànộimới), Độc lập, Lao Động… sau là hàng chục cuốn sách viết riêng và chủ biên nhiều bộ sách đồ sộ. 15 cuốn sách ông viết, từ "Đường phố Hà Nội" ra đời vào năm 1972, những năm đất nước còn muôn vàn khó khăn nhưng đã dày đến 500 trang, đến "Hà Nội - Cõi đất, con người", "Hà Nội phong tục - văn chương" ấn hành vào dịp Thủ đô tròn nghìn tuổi và 6 bộ sách ông đứng chủ biên như "1000 năm Thăng Long - Hà Nội", "Du lịch Hà Nội", "Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân", "Lịch sử Thăng Long - Hà Nội" là từ điển cho những ai muốn tìm hiểu, dù là tên một con phố hay những phong tục, tập quán đất Kinh kỳ. Cõi đất và con người Hà Nội đã được ông viết bằng sự nghiêm túc của một nhà nghiên cứu dù ngành Hà Nội học, một ngành học mà sinh thời ông rất muốn có, chưa ra đời; bằng trách nhiệm của một "Công dân Thủ đô ưu tú" dù gần đây mới chính danh; bằng tình yêu của một con người nặng lòng với mảnh đất mà như ông nói "càng tìm hiểu càng thấy thích thú và khâm phục, ở đó không chỉ có sự phồn hoa của đất Kẻ Chợ mà còn có chiều sâu lịch sử, văn hóa" để rồi được trao tặng giải thưởng "Vì tình yêu Hà Nội". Tình yêu, niềm say mê, sự tận tâm tới từng chi tiết, từng con chữ của ông đã làm nên những tác phẩm, để người đọc, dù là nhà văn hóa, nhà khoa học lớn hay những con người bình dị đều nhờ những trang sách ấy mà thêm yêu Hà Nội.
Ông còn là "kho" tư liệu sống cho những ai quan tâm tới Hà Nội. Căn nhà nhỏ trong ngõ nhỏ phố Ngô Quyền luôn rộng mở với mọi người. Trong căn nhà đó, sách là tài sản quý giá nhất. Ông để sách ở mọi nơi, ngay cả phòng ngủ cũng chỉ còn chỗ đủ kê một cái giường, một bàn viết nhỏ; sách được xếp cả trên bậc cầu thang, chỉ chừa lại lối đi đủ cho một người. Nhiều sách là thế nhưng nếu có ai hỏi điều gì chưa rõ hoặc chợt quên mất rồi, ông chỉ loay hoay vài phút là đã tìm ra tài liệu cần tìm. Nhưng cũng ít khi ông phải tìm đến tư liệu bởi cả đời lao tâm khổ tứ với Hà Nội, ông thuộc nó nằm lòng. Tôi không nhớ, đã bao lần đến đây tìm ông để "tra từ điển", để nghe quan điểm của ông về những vấn đề đang gây tranh cãi mà yên tâm viết những điều ông trao đổi bởi nó luôn chuẩn xác, đúng mức, có lý và có tình; để tìm tứ cho những bài viết vào những dịp lễ trọng và cả để tìm chân dung một con người. Nhưng điều tôi luôn nhớ, lúc còn khỏe cũng như khi đã mắc bệnh trọng, bao giờ ông cũng ưu ái Hànộimới. 50 năm trước, ông đã đảm nhiệm chuyên mục "Thủ đô ta" trên tờ Thủ đô Hà Nội và những bài báo ban đầu chỉ để "nói lại cho rõ" như ông từng tâm sự, sau được tập hợp thành cuốn "Đường phố Hà Nội" (viết chung với ông Trần Huy Bá). Trong suốt quá trình phát triển của Hànộimới, ông đều lặng lẽ đóng góp, khi là những bài viết đầy tâm huyết, khi là những ý kiến hết sức xây dựng. Có lẽ, năm nay là Tết đầu tiên ông không có bài viết trên Hànộimới. Khối u ác đã di căn khiến ông phải nằm một chỗ, sức cùng lực kiệt nhưng biết cô trò nhỏ đến thăm vào ngày cuối năm, ông cho phép lên phòng. Tuy không còn nói được, nhưng trong cái nắm tay yếu ớt, ông như muốn nói với tôi nhiều điều. Phải chăng, vào những ngày cuối cuộc đời nhà Hà Nội học vẫn đau đáu một niềm mong sẽ có một ngành khoa học mang tên Hà Nội để sẽ có những nhà nghiên cứu về Hà Nội chuyên nghiệp chứ không phải "tay ngang" như ông, để sẽ có nhiều thế hệ nhà Hà Nội học thêm nhiều "giọt nước vào dòng suối tư liệu, kiến thức và tình cảm" như ông đã từng và tiếp tục dòng chảy lịch sử của mảnh đất Thăng Long?
Chào thầy ra về, thấy thầy giơ bàn tay gầy guộc lên vẫy, tôi đã nghĩ, ra Giêng sẽ lại tới thăm thầy. Nhưng thầy đã về cõi vĩnh hằng, để lại cho tôi nỗi day dứt khôn nguôi, rằng cái vẫy tay ấy không phải là lời chào tạm biệt mà thầy còn có điều muốn nói?