Nói thật và làm thật!

Xã hội - Ngày đăng : 05:47, 30/01/2012

(HNM) - Không phải đến hôm nay chuyện nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật nhưng phải hành động thật mới được đem ra bàn thảo và trở thành đề tài nóng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.


Trong tiến trình vận động của lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại, không thời nào, giai đoạn nào thiếu vắng những tấm gương dám nói thẳng, nói rõ sự thật, thậm chí "chết" vì sự thật ấy. Những cái chết theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng ấy, chính là sự xả thân vì nghĩa lớn, hay nói giản dị hơn đó chính là những hành động thật.

Cũng bởi lẽ ấy, ngay cả trong chế độ phong kiến, khi mà ý vua là ý trời, chuyện nói sao cho lọt tai vua là điều phải gắng mà làm, thì vua còn được dạy rằng: "Xảo ngôn, lệnh sắc, tiễn hĩ nhân" (những kẻ miệng nói rất hay về mọi điều mà sắc mặt không biểu hiện sự xúc cảm ấy là những kẻ luôn xa với điều Nhân vậy), để biết phân biệt đâu là trung thần, đâu là nịnh thần.

Nhắc lại những điều trên để khẳng định một sự thật rằng: Dù con người ta có ở vị trí nào, điều quan trọng nhất là phải luôn biết tự sửa mình, có như vậy mới dám nói sự thật và đã nói thì phải làm.

"Nói thì phải làm" được Bác Hồ hết sức coi trọng và được coi là nguyên tắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, trong bài giảng "Tư cách một người cách mệnh" tại lớp huấn luyện chính trị ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nơi đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Bác đã đề cập ba vấn đề lớn: Đối với mình, đối với người và đối với công việc (đặc biệt từ cuối cùng của ba vấn đề được nêu đều là từ "phải", một từ mang ý nghĩa bắt buộc).

"Nói thì phải làm" nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động và hiệu quả.

Trở lại với đời sống hiện tại, chúng ta không khỏi day dứt khi "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..." trong đó chủ yếu do một số nguyên nhân chủ quan, nhưng không thiếu nguyên nhân "nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ" (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI).

Trước hết xin bàn về chuyện nói.

Có thể nói thẳng rằng, hiện nay có nhiều cán bộ, đảng viên nói rất hay ở các diễn đàn, kỳ cuộc. Họ nói những gì? Đủ cả. Lý tưởng. Đạo đức. Truyền thống. Chỉ tiếc rằng trong đó có những người là những "đồng chí chưa bị lộ", hoặc "bị lộ" một phần, nên họ cứ nghiễm nhiên yên vị.

Cũng tiếc rằng, những chuyện được các vị cán bộ ấy nói, thậm chí phê phán gay gắt, lại toàn là những chuyện... xem ra ở mãi tận đâu xa. Mà, trên thực tế, nó còn nhẹ hơn nhiều lần so với chính đơn vị vị cán bộ này đang lãnh đạo.

Cũng về chuyện... nói, không hiểu do học hành không đến nơi đến chốn hay vì lý do nào đó mà bí quá hóa bừa, nên có vị cán bộ khi chạm phải vấn đề phức tạp của đời sống xã hội, lại đăng đàn phát ngôn vừa tùy tiện vừa vô nguyên tắc.

Cho nên, để dám nói sự thật cũng luôn cần những cán bộ, đảng viên có đủ trí tuệ, bản lĩnh và phẩm chất làm việc thật.

Chúng ta có rất nhiều cán bộ, đảng viên giàu nhiệt huyết đã nói là làm và làm đến cùng cho ra hiệu quả dù họ ở cương vị nào, dù họ đang ở đâu, dù khó khăn thế nào. Những chiến sĩ ngày đêm canh giữ, bảo vệ từng tấc đất biên cương, con sóng trên biển đảo Tổ quốc; những cán bộ, kỹ sư, công nhân rất nhiều ngành nghề đang lăn lộn ngày đêm trên các công trình để làm giàu cho đất nước; những người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa củ khoai; những ngư dân bất chấp hiểm nguy vẫn đạp sóng ra khơi vừa cho khoang thuyền đầy cá vừa khẳng định quyền và chủ quyền biển đảo - ấy chính là những người đang làm thật.

Những việc làm ấy, sự dấn thân và hy sinh ấy thật vô cùng cao cả.

Ngay cả chuyện không ít cán bộ dám đứng ra làm việc này, việc khác mà những việc ấy động chạm đến lợi ích của nhiều người; nhưng nếu làm được lại mang hiệu quả xã hội rộng lớn, thì sự chấp nhận ấy cũng là tấm gương thật sự.

Không có việc gì dễ dàng. Chỉ trong cái khó mới bật ra những nhân tố mới, tích cực để vượt qua cái khó ấy.

Chúng ta buồn và phẫn nộ khi một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về cả tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.

Không buồn và phẫn nộ sao được khi có cán bộ, đảng viên chơi cờ đến bạc tỷ một ván.

Không buồn và phẫn nộ sao được khi mà có cán bộ, đảng viên lại đứng lên trên pháp luật để đẩy người dân đến mất trắng tất cả từ của cải đến danh dự.

Không buồn và phẫn nộ sao được khi các nhóm lợi ích ở mức độ nào đó chi phối đến cả những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa bàn, khu vực. Để rồi, các nhà thầu có năng lực nhưng thiếu "khôn ngoan thực tiễn" luôn bị gạt sang một bên và phần thắng thường về tay những ai hiểu kỹ "tâm lý người Việt hiện thời".

Những cuộc kê khai tài sản vẫn được tiến hành đều đặn nhưng số lượng cán bộ, đảng viên giàu nhanh giàu không minh bạch vẫn chưa có con số thống kê chính xác cuối cùng. Chuyện chạy chức, chạy quyền - có đấy nhưng "bằng chứng đâu?" vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời thật chính xác.

Những cán bộ, đảng viên đó giữa nói và làm là hai thái cực đối lập nhau!

Chuyện nói phải đi đôi với làm, nói là phải làm không hề mới, nhưng lại không hề cũ.

Nhắc lại những lời Bác dạy để đối chiếu với thực tế, nếu chúng ta có quyết tâm, có biện pháp đủ mạnh và quyết liệt, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng nói thật và cũng đang và sẽ làm thật.

Nguyễn Hòa Bình