Bám nghề, vượt khó
Xã hội - Ngày đăng : 07:18, 29/01/2012
Tự hào "đất tổ" nghề thêu
Nghề thêu có ở nhiều nơi nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng làng Quất Động (xã Quất Động, Thường Tín). Theo ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Quất Động, cả 8 thôn trong xã đều được công nhận làng nghề từ năm 2002. Nghề thêu đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu nhập chiếm 50% tổng thu nhập bình quân toàn xã. Về Quất Động nhiều lần, nhưng lần nào chúng tôi cũng bị cuốn hút bởi những mẫu hàng thêu đa dạng, những sắc màu lá hoa, cỏ cây rực rỡ dưới đường kim, mũi chỉ khéo léo của những người thợ thêu lành nghề. Ông Nguyễn Quốc Sự, một nghệ nhân có tiếng cho biết, ở Quất Động, nhiều gia đình có tới năm, bảy đời gắn bó với cây kim, sợi chỉ. Từ nhỏ, nhiều em bé đã được cha mẹ làm cho những chiếc khung thêu nhỏ, mấy cái đê, kim khâu, vải vụn… để học thêu. Lớn lên chút nữa, con trẻ đã có thể kiếm được tiền giúp đỡ gia đình, sau đó nhiều người trở thành thợ thêu chuyên nghiệp, nghệ nhân tài hoa. Ngày nay, ở Quất Động đã có nhiều xưởng thêu lớn có tới cả trăm tay kim.
Người thợ thêu ở đây có thể làm ra các sản phẩm hết sức đa dạng từ thêu tranh phong cảnh, tĩnh vật, động vật, tranh hội hè đến thêu truyền thần... Không chỉ đa dạng về mẫu mã mà tranh thêu Quất Động còn tinh xảo từng đường kim mũi chỉ, hình ảnh mịn, phối màu tinh tế. Không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà mặt hàng tranh thêu còn được xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ... Thêu đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Để tạo nên một tác phẩm thêu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn như: vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu rồi mới tiến hành thêu. Công đoạn vẽ mẫu thêu trên vải rất khó, vì vậy nghệ nhân thêu gần như phải đồng thời là họa sĩ. Về kỹ thuật thêu tay truyền thống thì bao gồm 9 kỹ thuật cơ bản: nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn - sa hạt kép, khoắn vảy đơn - khoắn vảy kép và chăng chặn. Công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình, thêu nổi gân lá, đài hoa, mắt phượng... sao cho các đường chỉ đan vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa luôn đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng lẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ bấy nhiêu.
Vui buồn nghề truyền thống
Một vài năm trước về Quất Động, chúng tôi cảm nhận sự phấn chấn, hồ hởi của các chủ doanh nghiệp thêu khi thị trường "ăn hàng" đã sôi động, ấm áp trở lại sau khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng năm 2011 vừa qua và dự báo năm 2012 này, nghề thêu tiếp tục gặp nhiều khó khăn thử thách, lượng hàng xuất khẩu sang Nhật Bản giảm nhiều, có thể là do tác động hậu quả động đất, sóng thần và suy giảm kinh tế.
Ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Là xã bình quân hơn 1 sào ruộng/người, nên thu nhập của phần lớn hộ gia đình ở đây trông vào nghề thêu truyền thống. Mặc dù các làng nghề chân rết trên địa bàn TP suy giảm nhưng các doanh nghiệp nơi đây vẫn cố gắng bảo đảm việc làm cho lao động địa phương. Những năm trước đây, lương thợ thêu trên dưới 1 triệu đồng là họ có thể chấp nhận nhưng nay 1,5 triệu chi tiêu vẫn eo hẹp, khó khăn. Hàng thêu kinh doanh theo mùa vụ rõ rệt, tháng 2 hằng năm, khách về đặt hàng, tổ chức làm thử hàng mẫu, tháng 3 doanh nghiệp đi vào sản xuất đại trà. Những thời điểm như thế, làng nghề sôi động hẳn lên, song nay các đơn hàng lớn cũng chưa có nhiều.
Chủ tịch Hiệp hội Thêu ren TP Mai Văn Hưởng cho rằng: Nhiều thị trường như Pháp, Hà Lan…vẫn sử dụng hàng thêu các loại khăn trải khách sạn cao cấp, khăn trải bàn nhưng các doanh nghiệp làng nghề không đủ tầm để xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường. Để đáp ứng nhu cầu lao động và việc làm, một số doanh nghiệp thêu chuyển sang làm hàng may, rất cần có mặt bằng xây dựng nhà xưởng, nhưng hiện cơ chế chính sách chung còn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, các DN, tổ hợp sản xuất, người lao động vẫn đang bám đuổi, sống chết với nghề của cha ông.