Giữ "lửa" cho hát Dô Phủ Quốc

Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 29/01/2012

(HNM) - Các làn điệu hát Dô ở xã Liệp Tuyết (Quốc Oai) có từ bao giờ nay không ai còn nhớ. Là địa phương phát tích ra làn điệu hát Dô độc đáo ở Hà Nội nhưng có một thời gian dài, chính người dân nơi đây đã quên đi làn điệu, những câu hát Dô truyền thống.

Rồi, nó lại được thắp lên kể từ khi bà Nguyễn Thị Lan, người con gái đất Liệp Tuyết đã dành hết tâm huyết của mình cùng với sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền khôi phục điệu hát Dô của quê hương Phủ Quốc.

Nguồn: Internet

Chúng tôi đến xã Liệp Tuyết vào một ngày đầu xuân với mong muốn được một lần nghe làn điệu hát Dô truyền thống. Không khí đón xuân rộn rã khắp các nẻo đường, đâu đó vẫn thoảng nghe các bài hát Dô như: Trúc trúc, mai mai; Cổ kiêu ba ngấn; Hái chè; Lên chùa; Trồng chuối... Những câu hát mượt mà, da diết của các diễn viên không chuyên xã Liệp Tuyết cất lên: "Trúc trúc, mai mai, nào khi trúc trúc mai mai; rồng ra dãi nắng, cú ngồi ngoài mưa..." hay "Rủ là rủ nhau, rủ là rủ nhau, ồ rằng lên núi, ồ rằng lên núi, lên núi hái chè. Hái dăm ba mớ, xuống khe, xuống khe ta ngồi, ta ngồi..." đã đưa chúng tôi đến nhà Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết Nguyễn Thị Lan. Tất bật với việc luyện hát, múa cho các thành viên trong CLB để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn phục vụ dân chúng đầu xuân, nhưng bà Lan vẫn dành một khoảng thời gian đủ để chúng tôi tìm hiểu về các làn điệu hát Dô Liệp Tuyết.

Kể về lịch sử của làn điệu hát Dô, bà Lan chậm rãi: Tương truyền, vào một ngày đầu xuân, Đức Thánh Tản Viên đi du ngoạn qua sông Tích, khi đến xã Lạp Hạ (nay là Liệp Tuyết) thấy ruộng đất phì nhiêu nhưng dân cư thưa thớt, ngài đã dừng lại dạy dân trồng trọt, cày cấy. Sau đó, ngài ra đi, hẹn mùa lúa chín sẽ về. Vụ đó, người dân Lạp Hạ bội thu nhưng chờ mãi không thấy Đức Thánh Tản Viên quay lại. 36 năm sau, ngài mới quay lại, thấy dân làng đã giàu có, thóc lúa đầy nhà, ngài đã tập hợp trai gái trong làng để dạy múa hát, mừng cho dân làng được mùa, no ấm. Từ đó dân làng xây đền Khánh Xuân tại thôn Đại Phu để tưởng nhớ công ơn và cứ 36 năm theo lệ lại mở hội ca múa tưng bừng, còn gọi là hội hát Dô (tổ chức từ ngày mồng 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch).

Bà Lan cho biết, hát Dô được diễn xướng liên tục từ đầu đến cuối, bao gồm nhiều đoạn hát, nhiều làn điệu khác nhau theo một lề lối nhất định. Hát Dô bao gồm 36 làn điệu, mang những nét độc đáo của địa phương bên cạnh những âm điệu chung của dân ca nghi lễ Đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, do 36 năm Hội mới tổ chức một lần, số người tham gia Hội hát Dô không nhiều, đặc biệt trước kia, Liệp Tuyết có một tục hèm "Sau ngày hội, dân Liệp Tuyết không ai được hát nữa, nếu ai hát thì sẽ bị Thánh phạt", chính vì lời hèm đó mà cả một thời gian khá dài (kể từ Hội đền Khánh Xuân tổ chức từ năm 1926 đến năm 1988 của thế kỷ trước) hát Dô chỉ được lưu truyền trong trí nhớ của lớp người đã từng tham gia hội hát Dô trước đó chứ không được truyền dạy cho con cháu. "Thế rồi môn nghệ thuật truyền thống hát Dô đã sang trang mới kể từ năm 1989, khi đó Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) phối hợp Phòng Văn hóa huyện Quốc Oai về khảo sát và mở một lớp truyền dạy hát Dô tại xã. Lớp học đã mời ba cụ cao tuổi Tạ Văn Lai, Kiều Thị Nhuận và Đàm Thị Điều từng tham gia Hội hát đền Khánh Xuân năm 1926 truyền dạy hát Dô cho lớp trẻ" - bà Lan cho biết. Cũng theo bà Lan, thời gian đầu học hát Dô rất khó. Các cụ dạy theo phương pháp truyền miệng, chẳng có sách vở gì, mỗi bài thuộc một vài đoạn vả lại hát Dô phải láy đi láy lại nhiều lần nên rất khó nghe khiến nhiều người chán nản, bỏ học. Bản thân bà Lan cũng nản, nhiều lúc muốn bỏ học. Nhưng được các cụ khích lệ: "Nếu khó quá thì chép lời bài hát ra giấy mà học. Chép xong chỉ để hát, không được mang đi nơi khác kẻo thất truyền. Các cháu phải học thì mới giữ được điệu hát Dô". Khi chép ra giấy, thấy lời hát hay, bà và các thành viên trong đội thấy thích, rồi hăng say học tiếp.

Không chỉ tích cực sưu tầm các làn điệu hát Dô cơ bản, bà Lan còn đi khắp các thôn trong xã vận động người tham gia vào đội. Tích cực tập luyện nên ngay trong năm 1989 đó, đội hát Dô đã bắt đầu hát trong hội diễn văn nghệ của xã, rồi huyện. Năm 2000, hậu cung đền Khánh Xuân được tu sửa xong, xã mở hội, đội hát Dô đã tham gia biểu diễn tại đền. Ghi nhận những đóng góp của đội hát Dô xã Liệp Tuyết và ý nghĩa lịch sử, văn hóa của các làn điệu hát Dô, đội hát Dô Liệp Tuyết được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian. Đến năm 2004, CLB hát Dô được thành lập và đã nhận được sự tài trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Quỹ Ford qua dự án bảo tồn và phát huy hát Dô. Từ đó, CLB hát Dô ngày càng thu hút được đông đảo thành viên, nhất là thành viên trẻ tham gia.

Từ những câu hát chép tay, đến nay bà Lan đã thuộc gần hết các làn điệu hát Dô và truyền lại cho lớp trẻ. Ước mơ lớn nhất của bà Lan bây giờ là truyền dạy cho nhiều người dân không chỉ biết hát các làn điệu hát Dô truyền thống, mà phải biết duy trì, bảo tồn các làn điệu hát này. "Lớp già như chúng tôi yêu văn nghệ, yêu hát Dô nhưng ngày càng gần đất, xa trời, nếu thế hệ trẻ bây giờ không tâm huyết, không được vun xới thường xuyên, e rằng làn điệu sẽ dần mai một" - bà Lan lo lắng. Để làn điệu hát Dô mãi trường tồn, CLB hát Dô Liệp Tuyết mong muốn được ngành văn hóa, từ trung ương đến huyện, đặc biệt là chính quyền các cấp quan tâm cả về vật chất và tinh thần, để CLB hát Dô truyền dạy các làn điệu hát Dô cho thế hệ trẻ trong xã.

Đỗ Hà