Syria: Thời khắc khó khăn
Thế giới - Ngày đăng : 06:15, 29/01/2012
Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil Al-Arabi (ngày 26-1), cho biết, ông và Thủ tướng Qatar Hamad Bin Jassem Al-Thani sẽ cùng đệ trình một kế hoạch của AL nhằm giải quyết tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tháng qua tại Syria ra trước HĐBA LHQ vào ngày mai (30-1). Theo đó, AL sẽ đề nghị HĐBA chấp thuận kế hoạch yêu cầu Tổng thống Bashar Al-Assad chuyển giao quyền lực cho một cấp phó và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử.
Hòa bình đang là mong ước của người dân Syria. |
Trong khi đó, ngày 26-1, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập đã kêu gọi HĐBA LHQ thông qua một nghị quyết lên án "tội ác" của chính quyền Damascus. Trong một thông cáo báo chí phát đi, SNC đã kêu gọi các nước thành viên HĐBA và AL thông qua một nghị quyết tại HĐBA LHQ lên án chính quyền Damascus và cam kết xét xử những kẻ phạm tội trong các cuộc đụng độ. SNC cho rằng chính thể hiện hành tại Syria đã đánh mất lẽ phải kể từ khi AL quyết định đưa vấn đề bất ổn của Syria ra trước HĐBA LHQ cũng như bắt đầu kế hoạch bao vây và oanh tạc nhiều thành phố, làng mạc của Syria, nhất là Homs, Hama, Douma và Jabal Zawiya.
Trong một động thái liên quan, ngày 26-1, Báo "Bưu điện Washington" (Mỹ) đưa tin, một số nước thành viên Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã ủng hộ việc khai trừ Syria khỏi Ủy ban nhân quyền của tổ chức. Điều đáng chú ý là đề nghị khai trừ này do Mỹ đưa ra; sau đó được các đại diện của Anh, Đức, Pháp và một số nước Arab, trong đó có Qatar và Kuwait lên tiếng ủng hộ. Dư luận cho rằng, đề nghị này là bước đi thể hiện rõ toan tính của Washington nhằm tạo thêm áp lực dư luận mới trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu quan trọng của HĐBA trong những giờ tới.
Chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad đang trải qua một thời điểm đầy cam go. Trên thực tế, các nhà quan sát cho rằng, Damascus đã rất cộng tác với phái bộ của AL làm việc tại Syria. Ngay khi hết thời hạn làm việc tại quốc gia Trung Đông này, Bộ Nội vụ Syria đã gia hạn cho phái bộ quan sát viên AL thêm một tháng (từ 24-1 đến 23-2). Hoạt động của các quan sát viên cũng được nới rộng để thâu tóm tình hình. Bản thân chính quyền của ông Bashar Al-Assad cũng đã thực thi nhiều thỏa thuận cam kết với AL như thả những người biểu tình đang bị giam giữ. Tuy nhiên, bạo lực vẫn không giảm. Theo tố cáo của Damascus, tình hình bạo lực tại Syria là do các phần tử khủng bố và các tay súng được bên ngoài hỗ trợ thực hiện. Sự thật này dự báo, dẫu có cố gắng đến đâu thì những nỗ lực của Syria nhằm ổn định tình hình vẫn sẽ gặp phải khó khăn lớn.
Không ít người dân Syria tỏ ra lo ngại về một nghị quyết sẽ được HĐBA LHQ thông qua trong những giờ tới. Theo họ, nếu điều đó diễn ra, sẽ làm phức tạp thêm tình hình. Hàng trăm nghìn người Syria đã đổ ra đường biểu tình để bày tỏ sự đoàn kết với Tổng thống Bashar Al-Assad và phản đối kế hoạch mới của AL kêu gọi nhà lãnh đạo của tổ chức này từ chức. Trong một diễn biến mới, ngày 27-1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nêu rõ, dự thảo nghị quyết mới về Syria của HĐBA LHQ do các nước phương Tây và Arab đề xuất là không thể chấp nhận, vì không tính đến lập trường của Mátxcơva. Theo ông G. Gatilov, dự thảo gồm những nội dung tính tới các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu yêu cầu của nghị quyết không được thực hiện trong một thời gian quá ngắn - 15 ngày - sẽ gia tăng nỗi ám ảnh về một hành động can thiệp quân sự. Trước đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, tại Mátxcơva (25-1), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga luôn sẵn sàng với những đề xuất mang tính xây dựng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria; song, tiếp tục phản đối bất cứ nghị quyết nào của LHQ đòi hỏi tất cả các quốc gia tuân thủ những trừng phạt đơn phương mà phương Tây đã áp đặt với Damascus…
Hiện tại, chưa ai có thể đoán định tình hình Syria sẽ xoay chuyển theo hướng nào. Dư luận hy vọng, đối thoại sẽ là con đường duy nhất tránh được một đổ vỡ không muốn có tại Syria. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad đang là một "trở ngại" trong mắt phương Tây. Với vị trí địa - chiến lược quan trọng của Syria ở Trung Đông, có lẽ hy vọng đối thoại để dập tắt cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria vẫn quá mong manh.