Giá rau xanh dần hạ nhiệt, hải sản tăng
Kinh tế - Ngày đăng : 14:45, 28/01/2012
"Không mua thì không biết ăn gì vì trong Tết thịt cá ê hề, chỉ thèm bát canh rau muống nấu tương gừng mà giá thế này vẫn đắt quá", chị Hạnh chia sẻ. Băn khoăn không vì mấy nghìn đồng, mà chị Hạnh chỉ ngại mới đầu năm đi mua hàng đã bị "chém", có thể cả năm kém suôn sẻ. Hai ngày trước, giá rau muống phổ biến 10.000 đồng.
Các loại rau xanh dù giá vẫn cao, song đang có xu hướng hạ nhiệt dần so với cách đây 2 ngày. Ảnh: Hà Đan.
Các loại rau xanh đang có xu hướng hạ nhiệt dần so với cách đây 2 ngày. Ảnh: Hà Đan.
Mùng 6 Tết, các chợ dân sinh tại Hà Nội đã nhộn nhịp trở lại. Nhiều chợ, các mặt hàng vẫn giữ giá cao gấp rưỡi, gấp đôi so với trước Tết, trong đó có rau xanh và các loại hải sản. Tuy nhiên, cũng có một số loại rau, giá có chiều hướng hạ.
Tại chợ Cầu Diễn, su hào giá 6.000 đồng một củ, rau sống 5.000 đồng một lạng, cải cúc 3.000 đồng một mớ, cần nước 15.000 đồng, rau muống 8.000 đồng một mớ...
Chị Hiên, người làng Tây Tựu (Hà Nội), bán rau tại chợ Đồng Xa, cho biết, dù giá cao, nhưng so với những ngày mùng 3, mùng 4, mức nói trên đã giảm kha khá. "Hôm mùng 4 Tết, mỗi mớ cần giá không dưới 25.000 đồng, còn các loại rau cải canh, cải cúc bán theo mớ, cũng phải 7.000 đồng một đôi", chị Hiên nói. Theo chị, sau Tết năm nào, giá rau xanh cũng đắt lên, là vì đông khách. Hôm mùng 5, một xe rau nặng, chị Hiên chỉ bán trong vòng hơn 3 tiếng đã hết sạch, trong khi bình thường, có khi phải mất cả ngày.
Còn theo giải thích của chị Thịnh, bán rau tại chợ Cầu Giấy, giá rau đắt, vì trong Tết, trời rét đậm rét hại, rau lớn không kịp. "Số lớn kịp, người trồng đã bán hết trước Tết. Ra năm, người dân chán thịt, ăn rau nhiều, nguồn cung cấp không đủ nên giá bị đội lên có gì khó hiểu đâu", chị Thịnh nói.
Theo chị, một số loại rau giá rẻ hơn, là vì mùng 6 Tết, người đi chợ cũng nhiều hơn, các hàng rau tại chợ đầu mối Long Biên, chợ rau xanh Dịch Vọng... cũng đông hơn, hàng lấy dễ hơn chút, nên giá cũng rẻ đi. "Cứ như mùng 3, mùng 4, tranh cướp nhau từng mớ một, mưa rét co cả người, thì đắt gấp đôi, chứ gấp ba, bốn ngày thường cũng đáng", chị bày tỏ.
Các quầy bán thịt cá vẫn hét giá cao. Tại các chợ Đồng Xa, Cầu Giấy, Thành Công A..., mỗi kg thịt lợn tăng khoảng 5.000- 10.000 đồng. Thịt lợn nạc thăn có giá phổ biến 140.000 đồng, các loại khác như vai, mông, ba chỉ rẻ hơn song cũng dao động trong khoảng 120.000 đồng một kg. Riêng các loại cá, giá tăng mạnh. Mỗi kg cá trắm loại vừa từ mức 250.000 đồng đã tăng lên trên 350.000 đồng một kg tại chợ Đồng Xa, Cầu Diễn.
Giá tôm sú thường ngày tại chợ họp tại phố Khương Trung chỉ khoảng 300.000 đồng, hôm nay bị đẩy lên 500.000 đồng, loại tôm thẻ cỡ vừa cũng "leo" từ khoảng 180.000 đồng lên gần 300.000 đồng mỗi kg. Riêng thịt lợn bán tại chợ này giữ giá, còn thịt gà giảm từ 150.000 đồng một kg hôm 29 Tết về mức 100.000 đồng trong ngày mùng 6.
"Trong Tết, các loại thịt gà, lợn bán chạy nên giá cũng đội lên. Nhưng ra năm, người dân có xu hướng ăn rau, hải sản... cho nhẹ bụng, nên giá hải sản tăng là đúng", anh Chiến, bán tôm cá tại chợ này lý giải. Theo anh, những người đi buôn cũng đã phải lấy hàng với giá cao hơn so với trong Tết, nên bán ra đắt hơn mới có lãi. "Dầm mưa rét đi bán phiên mở hàng, ai chả muốn bán giá phải chăng để còn sớm hết hàng. Nhưng lấy cao, phải bán cao mới bõ công chịu rét mướt đêm hôm. Khách hàng đầu năm mua hàng cũng có phần xông xênh hơn so với bình thường", anh Chiến chia sẻ.
Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp nhanh tình hình Tết nguyên đán, Bộ Công Thương cho biết, giá thực phẩm tăng tối đa 50% trong dịp Tết. Từ ngày 23 Tết, tại các chợ dân sinh, giá thịt bò đã nhích lên 20.000-30.000 đồng mỗi kg. Từ 27 đến 29 Tết, rau xanh tăng 20-50%, trái cây 10-20% trong khi các loại thịt tươi sống nhích 5.000-10.000 đồng so với trước.