Đã có những ngày Tết an toàn
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:09, 28/01/2012
Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT TP) kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm.
Để có được những ngày Tết an toàn vừa qua, người dân ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các ngành chức năng thành phố trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông, cháy nổ, y tế... là những công việc thường xuyên nhưng đã được tập trung đẩy mạnh hơn trong dịp này, mà an toàn trong ăn uống, tiêu dùng là mối quan tâm hàng đầu. Thông tin nhanh của ngành y tế cho thấy, toàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nào. Cũng vẫn còn một số trường hợp bị tiêu chảy, say rượu, dị ứng... song chưa đến mức phải đi cấp cứu, phần lớn đều tự xử lý tại nhà được và cũng không dẫn đến hậu quả xấu. Đó là điều đáng mừng, nhất là trong bối cảnh nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và người sản xuất - kinh doanh thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế song người tiêu dùng lại khá dễ dãi khi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân buôn bán, chăn nuôi, vận chuyển gia súc, gia cầm vì lợi nhuận đã bỏ qua hoặc không tuân thủ các yêu cầu trong việc kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y...
Còn theo Ban chỉ đạo 127 thành phố, để bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và các lễ hội năm 2012, thành phố đã thành lập 6 đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP. Từ ngày 20-12-2011 cho đến 31-3-2012, các đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện những quy định về ATVSTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn, tập trung vào những mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp này như bánh, mứt, kẹo, ô mai, hạt dưa, bia, rượu, nước giải khát, sản phẩm chế biến từ thịt… lấy mẫu thực phẩm bày bán trên thị trường để xét nghiệm phát hiện chất độc hại, phẩm màu cấm sử dụng; xử lý triệt để những trường hợp vi phạm quy định. Việc kiểm tra đã được tiến hành tới tận chiều 29 Tết song về cơ bản không phát hiện được những vi phạm nghiêm trọng, tình hình chất lượng hàng hóa thị trường, cả nội và ngoại thành, nhìn chung lành mạnh, an toàn.
Đặc biệt, năm 2012 là năm đầu tiên mà Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP được phát động ngay từ tháng 1 (từ ngày 10-1 đến 12-2-2012) với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các lễ hội". Đây là chặng đầu trong "chiến dịch tấn công thực phẩm bẩn 2012" với mục tiêu nhằm giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2012 và trong thời gian diễn ra các lễ hội so với cùng kỳ năm 2011. Với diễn biến trong những ngày Tết vừa qua thì mục tiêu này đã thực hiện thành công và đây là đà tốt để công tác này triển khai có hiệu quả trong những tháng tiếp theo của năm 2012.
Có thể nói, kết thúc năm 2011, điều phấn khởi là tình hình ngộ độc thực phẩm trên phạm vi cả nước đã giảm đáng kể (so với năm 2010, số vụ ngộ độc giảm 22%, số người mắc giảm 19,7% và số người tử vong giảm 55%). Tháng 1-2012, trong đó có những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, việc mất an toàn về chất lượng hàng hóa tiêu dùng xảy ra không đáng kể, không gây nên sự bất an cùng những tác động xấu, được coi là điểm nhấn đáng ghi nhận.
Giáp Tết, kiểm tra tại thị trường các tỉnh phía bắc, ngành chức năng đã phát hiện nhiều mẫu thực phẩm có chứa Rhodamine B với hàm lượng cao; một số loại xúc xích, giăm bông... có sử dụng Nitrit; nước giải khát, mỳ ăn liền sử dụng phẩm màu có chứa kiềm; bún, bánh phở, bánh giò... có sử dụng hàn the (chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng)... Tại các tỉnh phía nam, 298/437 mẫu sản phẩm là mỳ sợi tươi, thực phẩm chay dương tính với formol; 86/115 mẫu có dương tính với chất tẩy trắng với các mẫu hoa chuối, bẹ chuối, măng chua; 28/52 mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, tập trung ở tôm khô, hạt dưa, mứt... Bên cạnh đó, rất nhiều mẫu thực phẩm được phát hiện ở Tây Nguyên, miền Trung như thực phẩm chế biến khô, mứt, dưa muối các loại, cá viên, bánh bao, phô mai, sữa tiệt trùng, thực phẩm chay, tương bột, mỳ ăn liền... có sử dụng chất phụ gia hoặc nhiều chất phụ gia cùng lúc với mức vượt quá giới hạn cho phép từ 20-40%... Thống kê như trên để thấy rằng, thực phẩm bẩn có ở mọi vùng miền và không loại trừ khả năng "di chuyển" từ nơi này sang nơi khác một cách dễ dàng. Trong khi đó, công tác bảo đảm ATVSTP vẫn gặp một số thách thức lớn như chưa kiểm soát hết thực phẩm nhập qua biên giới, kiểm soát hormon tăng trưởng và yếu tố vi sinh, bệnh truyền qua thực phẩm...
Thành công của việc bảo đảm ATVSTP dịp Tết vừa qua còn cho thấy, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý được các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt, việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và cơ sở đã phát huy hiệu quả. Phần lớn người tiêu dùng đã có thói quen tốt là chỉ mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, các sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn bày bán ở những địa chỉ cố định, rõ ràng và xem kỹ nhãn mác, hạn sử dụng trước khi mua... Còn trong sử dụng, thái độ biết kiềm chế và ăn uống một cách khoa học, điều độ... của người tiêu dùng cũng là biện pháp chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm một cách hữu hiệu, đặc biệt trong dịp Tết là những ngày dễ bị "quá đà" nhất.