Cuộc đối đầu phương Tây - Iran: Hệ lụy khó lường
Thế giới - Ngày đăng : 07:54, 28/01/2012
Lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đang đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran tới những diễn biến khó lường.
Vấn đề mấu chốt đẩy căng thẳng leo thang là lệnh trừng phạt mới của Liên minh Châu Âu (EU) với quốc gia Hồi giáo này. Tại cuộc họp diễn ra ngày 23-1 ở Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng EU đã nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt mới với Iran gồm cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng từ nước này. Washington đã "tiếp lửa" với EU khi cùng ngày 23-1, tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Ngân hàng Tejarat, ngân hàng lớn thứ ba của Iran với mục tiêu làm cho Tehran gặp khó khăn hơn trong tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và cấp tiền cho các hoạt động hạt nhân của nước này. Ngày 25-1, trong cuộc hội đàm tại London (Anh) với người đồng cấp William Hague, Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd thông báo Canberra sẽ ban hành biện pháp như EU đã làm với Iran... Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh rằng, tiến trình này sẽ được tiếp tục để Iran hiểu rằng sức ép sẽ không giảm cho tới khi chính quyền Tehran quyết định đưa ra sự lựa chọn đúng...
Trước sức ép mới từ phương Tây, chính quyền của Tổng thống M.Ahmadinejad đã tỏ rõ thái độ kiên quyết. Ngay sau khi EU thông qua lệnh cấm vận mới, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, quyết định này là "không công bằng" và sẽ thất bại. Ngay sau khi EU tuyên bố lệnh cấm vận mới, Tehran đã có cú đáp trả bằng việc ngay lập tức ngừng mọi giao dịch bán dầu mỏ cho EU trong tuần tới. Chính trị gia hàng đầu của Iran A.Fallahian một lần nữa tái khẳng định, Iran có thể đóng cửa Eo biển Hormuz để trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU, hành động mà Mỹ tuyên bố sẽ không tha thứ.
Dư luận cho rằng, quyết định mới của EU đã không phải là nhân tố tích cực để giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo giới phân tích, nhiều khi quyết định này còn mang tác dụng ngược. Trước hết, với lệnh cấm vận của EU, Iran đã có sự chuẩn bị trước. Chuyến công du tới các quốc gia Mỹ Latin mới đây của Tổng thống M.Ahmadinejad không chỉ nhằm thắt chặt quan hệ chiến lược mà còn tăng cường quan hệ với những bạn hàng mới nhằm đối phó với lệnh cấm vận. Thêm vào đó, giao dịch thương mại giữa Iran với Châu Âu chỉ chiếm khoảng 10% trong giao dịch chung của Tehran với các nước, do vậy, lệnh cấm vận không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân quốc gia Hồi giáo này. Điều này đã được Tổng thống M.Ahmadinejad nhấn mạnh trên truyền hình ngày 26-1 rằng, Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới về dầu mỏ và tài chính của EU và Mỹ.
Trong khi đó, ảnh hưởng từ lệnh cấm vận đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Ngày 26-1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra đánh giá rằng, các biện pháp trừng phạt Iran có thể đẩy giá dầu thô tăng 20-30% nếu không có các biện pháp bù đắp cho nguồn cung giảm. Còn Eo biển Hormuz nếu bị phong tỏa có thể khiến dầu tăng giá mạnh hơn, do hạn chế cả các nguồn cung bù đắp từ các nhà sản xuất dầu thô khác trong khu vực. Ngay sau quyết định của EU, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ quan điểm rằng, các lệnh trừng phạt đơn phương sẽ phản tác dụng, không giúp giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran. Ngày 26-1, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của EU đối với Iran, cho rằng các biện pháp này không mang tính xây dựng...
Hiện tại, quan hệ giữa Iran với phương Tây đang ở thời điểm rất dễ bùng nổ, kéo theo những hệ lụy khó lường. Một cuộc xung đột với Iran sẽ thực sự gây bất ổn không chỉ cho an ninh khu vực mà còn cả về kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Trong khi EU đưa ra lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran thì một hạm đội tàu chiến gồm tàu sân bay của Mỹ và các tàu chiến của Anh và Pháp, đã tiến vào Vùng Vịnh. Mặc dù ngày 26-1, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey nói rằng, "sẽ là quá sớm" để sử dụng vũ lực chống Iran nhằm ngăn cản Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân; nhưng cộng đồng quốc tế vẫn hết sức lo ngại khi căng thẳng tiếp tục leo thang.