Ước big band được chơi miễn phí

Văn hóa - Ngày đăng : 07:41, 28/01/2012

(HNM) - Quyền Văn Minh đã thực sự là một tên tuổi quen thuộc của jazz Việt. Cùng với tình yêu nhạc jazz, người nghệ sĩ này còn thành lập, duy trì ban nhạc Big band Sông Hồng theo mô hình một big band quốc tế.


- Nghệ sĩ có thể giới thiệu về một dàn nhạc big band?

- Phiên chế một dàn nhạc big band từ thời kỳ nó xuất hiện ở Mỹ, Châu Âu gồm 50 kèn saxophone, 4 kèn trumpet, 4 kèn trombon, kết hợp với 1 piano, 1 bass, 1 trống và nếu có thể thì thêm 1 guitar cộng với 1 chỉ huy, như bây giờ thì sẽ kèm thêm 1 bộ gõ phụ nữa. Thông thường, hiệu quả của dàn nhạc big band sẽ trông chờ chủ yếu vào bộ kèn bởi thứ nhạc cụ này sẽ gây được hiệu quả lớn về mặt âm thanh, hòa âm.

Big band sinh ra để làm nền cho ca sĩ, cho các giọng vocal và hơn thế, nó có thể góp thêm cho phần hòa tấu. Tôi ao ước bao lâu nay, từ ngày được xem những big band quốc tế biểu diễn, là sẽ có một big band thực sự của Việt Nam. Đến năm 2000, tôi cùng một số anh em lập được Big band Sông Hồng. Điều khiến mọi người thỏa lòng là Big band Sông Hồng đúng nghĩa một dàn nhạc nghiêm túc, rõ tính học thuật, chơi nhạc jazz dựa trên bản phối. Tôi làm công việc phối nhạc cho big band, bởi ở ta chưa có mấy người nghĩ tới việc phối nhạc cho một dàn nhạc như thế cả.

- Big band Sông Hồng của ông có đủ phiên chế như một dàn nhạc quốc tế?

- Về phiên chế mẫu mực thì như tôi đã nói ở trên, nhưng trong thực tế thì tùy vào điều kiện các big band cụ thể mà có sự thay đổi về số lượng kèn. Big band Sông Hồng gồm 17 người chơi, cũng đủ kèn, piano, trống… chỉ có điều số kèn ít hơn thôi.

- Hiệu quả của big band khi chơi hòa tấu và đệm cho ca sĩ khác nhau thế nào, thưa nghệ sĩ?

- Lợi thế của dàn nhạc big band là chơi bùng nổ, bởi vậy các tính năng của mỗi kèn sẽ có tác dụng cộng hưởng, tạo hiệu quả lớn mỗi khi hòa tấu. Khi đệm cho ca sĩ, big band tạo ra một hòa âm dày dặn ở phía sau. Khi giọng vocal ngân lên mà có dàn nhạc phía sau thì ấn tượng mạnh lắm. Nhưng hòa âm mới là điều quan trọng của big band, cho thấy rõ nhất khả năng của nó.

- Big band có giống với dàn kèn quân nhạc, thưa ông?

- Khác chứ! Khác cả về tiết tấu và thủ pháp viết bài. Quân nhạc cùng chơi một giai điệu giống nhau, nhưng big band của jazz thì còn có tiết tấu, như sự thắt nút, cởi nút, tạo những cú "ép phê" cho người nghe, tạo sự thỏa mãn về âm thanh đối với người thưởng thức chúng…

- Lịch diễn của Big band Sông Hồng có dày không, thưa ông?

- Thực ra, chúng tôi diễn phụ thuộc nhiều vào hợp đồng, thường thì phải thu gọn người. Dàn nhạc đã diễn ở TP Hồ Chí Minh 2 lần, Hải Phòng 2 lần, còn chủ yếu là diễn ở Hà Nội.

- Vậy, đâu là cái khó để thành lập một big band?

- Mỗi người chúng tôi không công tác cùng nơi, bởi thế mà làm thế nào để tập hợp được 17, 18 người khác nhau, lo kinh phí, bài vở... là cả một sự kỳ công.

- Quyền Văn Minh đã làm gì để duy trì Big band Sông Hồng?

- Tôi đã xây dựng và quyết tâm duy trì ban nhạc. Tự mình đi tìm hợp đồng thôi.

- Còn việc big band biểu diễn miễn phí như ở các nước phương Tây, đó có phải là điều quá khó, thưa ông?

- Tôi chỉ ước ao là dàn nhạc kèn này được chơi miễn phí vào sáng chủ nhật hằng tuần mà không phải lo lắng về kinh phí cho anh em, giống như các nước phương Tây họ chơi ở vườn hoa, quảng trường ấy. Cái đó là quảng bá văn hóa, nhưng chúng tôi chưa thể. Thật tiếc!

- Xin cảm ơn nghệ sĩ và chúc ban nhạc thực hiện được ước mơ!

Hải Yến