Xin đừng “vui xuân là chính”

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:14, 28/01/2012

(HNM) - Chẳng biết từ khi nào cái câu


Nhưng hiểu đúng và làm đúng về hai chữ "ăn chơi" thì không phải ai cũng làm tốt. Khái niệm "ăn chơi" giờ đây thực sự đã bị biến thái theo cách nghĩ, theo điều kiện kinh tế của mỗi người.

Đã có những người nước ngoài sống ở Việt Nam thốt lên rằng sợ nhất là tháng sau Tết của người Việt bởi cái tâm lý "tháng ăn chơi" đã khiến biết bao việc bị đình trệ. Năm nay, theo quyết định của Thủ tướng, cán bộ, nhân viên, công nhân được nghỉ Tết tới 9 ngày, dài nhất từ trước đến nay. Nhưng dường như, như thế vẫn chưa đủ với nhiều người. Nghỉ dài thì không khí xuân cũng thêm dài. Mới Tết đó mà đã sắp đến rằm tháng Giêng. Vậy là hội hè, là du xuân. Mà nói đến hội hè thì quả là ít nơi như Việt Nam có đến hơn 8.000 lễ hội dân gian trên cả nước. Đại đa số lễ hội ấy diễn ra vào tháng Giêng. Thế nên cứ "ăn chơi" dài dài chẳng hết và vì thế cái sự ăn Tết của người Việt thực tế có lẽ dài nhất thế giới. Ăn chơi tháng Giêng chưa đủ, người ta còn "cờ bạc tháng Hai", rồi "hội hè tháng Ba" (Tháng Giêng là tháng ăn chơi/Tháng Hai cờ bạc/Tháng Ba hội hè). Chết nỗi, cái thói "ăn chơi" ấy như đã ăn sâu vào suy nghĩ của bao người. Nhiều người còn sa chân vào các chiếu bạc, rồi liên hoan nhậu nhẹt bù lu. Vui xuân mà, có ai trách.

Công bằng mà nói thì càng nhiều người đi chùa, du xuân thì càng tốt về mặt kinh tế. Khi người dân phải sử dụng dịch vụ, mua sắm sẽ tăng lưu thông đồng tiền, tăng sức tiêu thụ hàng hóa... Nhưng có một thực tế là trong nhiều năm gần đây người đi chùa là viên chức, công chức nhà nước đang có xu hướng tăng, thậm chí chiếm phần nhiều. Và đây đúng là "thảm họa" với các cơ quan, công sở khi nhiều người lơ là, thậm chí trốn việc để đi lễ, đi chùa. Có quan chức còn dùng xe công, tiền công cho việc riêng này. Dĩ nhiên là các hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng đáng kể. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những ngày đi làm sau Tết nhiều công sở vẫn cứ... vắng như chùa Bà Đanh. Nhưng nếu vào các chùa chiền, lễ hội, hay các chốn "ăn chơi" như karaoke, vũ trường... thì đâu đâu cũng chật ních người.

Các nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định chúng ta không có truyền thống "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Nhưng cứ cho là có đi thì ngoài ăn chơi còn là tháng khởi sự làm ăn. Chỉ còn hai ngày nữa là hết thời gian công chức, người lao động nghỉ Tết theo quy định. Kế hoạch của năm mới còn đang ngồn ngộn trên bàn làm việc. Tháng Giêng, xin đừng "vui xuân là chính"!

Nữ Quỳnh