“Biệt đội cá heo” của Hải quân Mỹ

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:58, 27/01/2012

(HNM) - Giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran chưa được hóa giải sau khi Iran đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển 1/5 lượng dầu thế giới nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây - Lầu Năm Góc vừa cho biết có thể điều một "biệt đội cá heo" đến đây để phòng ngừa một khi xung đột xảy ra.

Tàu chiến Mỹ được điều đến eo biển Hormuz. Nguồn: Internet

Đây không phải lần đầu tiên những chú cá heo được sử dụng như một "vũ khí" chiến lược của Hải quân Mỹ. Vào những năm 1960, Hải quân Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu thủy động lực học của một con cá heo trắng thuộc vùng biển Thái Bình Dương trong một nỗ lực để cải thiện hiệu quả ngư lôi. Các nhà Hải dương học Mỹ nhanh chóng phát hiện ra khả năng nhận biết đối tượng ở dưới nước vô cùng tuyệt vời của cá heo. Sau đó Hải quân Mỹ đã bí mật nghiên cứu các cách thức sử dụng động vật có vú trong việc phát hiện mục tiêu dưới nước, phát hiện các mỏ tài nguyên trên biển và chiến đấu chống khủng bố ở Vịnh Ba Tư và nhiều nơi trên thế giới.

Trong những năm 1990, quân đội Mỹ đã giải mật các thông tin của "Chương trình động vật biển có vú" và kể từ đó chương trình này có trụ sở chính ở thành phố San Diego. Rất nhiều các nhà hải dương học, bác sĩ thú y, các nhà khoa học hàng đầu đã tham gia. Chương trình có ngân sách hoạt động hằng năm khoảng 20 triệu USD, đã đào tạo 75 con cá heo Thái Bình Dương có khả năng theo dõi tốt hơn bất kỳ một thiết bị nhân tạo nào và 35 con sư tử biển California có thị lực dưới nước cực tốt. Khi có bất cứ biến cố nào xảy ra, các loài động vật thông minh được đào tạo trong chương trình này được tập hợp trên máy bay C-130, vận chuyển đến nơi cần thực hiện các nhiệm vụ trong vòng 72 giờ. Chúng đã được sử dụng thử nghiệm trong các bài tập của quân đội Mỹ từ Alaska đến Hawaii, hoạt động trong phạm vi nhiệt độ cao và môi trường khá rộng. Ngoài ra chúng cũng có khả năng hoạt động trong các tàu ngầm và ngư lôi.

Thời gian qua báo chí Mỹ thông tin rằng, nếu Iran đóng cửa eo biển Hormuz, Hải quân Mỹ có thể gửi những chú cá heo được huấn luyện đặc biệt tới đó. Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh quốc gia Mỹ, mới đây cựu đô đốc Hải quân Mỹ Tim Keating nói: "Cá heo có năng lực đáng kinh ngạc về phát hiện vật thể dưới nước. Chúng có cách truyền âm giống kỹ thuật sonar hiện đại nên có thể phát hiện một vật thể kim loại hình cầu đường kính 7-8cm từ khoảng cách 111m. Riêng ở vịnh San Diego, Hải quân Mỹ có 80 con cá heo mũi to được huấn luyện dò mìn và thả thiết bị thu phát sóng âm".

Không chỉ riêng Hải quân Mỹ, mà cả Nga cũng có công nghệ cá heo trong ứng dụng quân sự. Trong lĩnh vực này đã diễn ra một cuộc chạy đua ráo riết mà Nga là nước đi sau (chậm hơn 30 năm). Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga về nhiều mặt đã vượt qua người Mỹ. Năm 2002, các báo cáo từ sự giúp đỡ của các "tình báo viên" cá heo trên biển đã giúp thu thập thông tin và ngăn chặn kịp thời các kẻ tình nghi khủng bố trên biển thuộc lực lượng Al-Qaeda khi các phần tử này có ý định tấn công các tàu Hải quân Mỹ ở Afghanistan. Có thể nói đây là những "người lính" góp phần bảo vệ an ninh ở các bến cảng trên toàn nước Mỹ. Lầu Năm Góc nói rằng, họ không định mạo hiểm các động vật quý này khi không quá cần thiết bởi vì trong đa số các trường hợp, chúng chỉ làm nhiệm vụ thông báo tọa độ các mục tiêu.

Tuấn Minh