Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm
Công nghệ - Ngày đăng : 07:13, 27/01/2012
Sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Năm 2011, sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước khoảng 25 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2010. Để có thành công đó, KHCN đã và đang đồng hành và tiếp sức cho nhà nông trên con đường chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa góp phần thực hiện CNH, HĐH.
Ảnh: khoahoc.com.vn |
Sáu năm qua (2004-2010), Bộ KHCN đã đầu tư 535,55 tỷ đồng cho chương trình nông thôn, miền núi để triển khai 213 dự án; huy động 1.200 cán bộ kỹ thuật tham gia xây dựng 856 mô hình trình diễn và chuyển giao thành công 438 quy trình kỹ thuật cho nông dân. Điều đáng ghi nhận là nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ sinh học, chế biến nông sản, công nghệ thông tin… được chuyển giao và ứng dụng trong sản xuất, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho người dân. Bên cạnh đó, chương trình khuyến nông, khuyến ngư quốc gia xây dựng được trên 7.000 điểm trình diễn, qua đó nhiều tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao vào sản xuất, đạt hiệu qua cao.
Tại buổi làm việc mới đây với Bộ KHCN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: KHCN ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, đóng góp của khoa học đối với sự tăng trưởng kinh tế nông nghiệp được thể hiện rõ rệt. Trong năm 2011, sản lượng lúa tăng thêm 2,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt hơn 7 triệu tấn gạo, sản lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đều tăng so với năm 2010.
Tuy nhiên, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Theo PGS-TS Lê Tất Khương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Vùng (Bộ KHCN), Việt Nam hiện có khoảng 11 triệu hộ nông dân nhưng có tới hơn 7 triệu mảnh ruộng. Chính điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhất là cơ giới hóa việc làm đất, thu hoạch, vận chuyển vật tư và sản phẩm. Thực tế, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất lớn: lúa từ 11%-13%; ngô 13%-15%; rau quả 25%... Trong khi đối tượng tiếp cận là nông dân có trình độ dân trí chưa cao...
Tạo cơ chế cho doanh nghiệp phát triển
Theo PGS-TS Lê Tất Khương, chuyển giao tiến bộ KHCN cho nông dân thông qua các DN là con đường hiệu quả nhất. Lực lượng này có vốn, có khả năng đầu tư ngay từ nguyên liệu đầu vào, cung cấp giống, thiết bị hỗ trợ chuyển giao cho người dân. Mặt khác, sự hỗ trợ của cộng đồng DN trong phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.
Nhiều năm qua, xác định DN là trung tâm của đổi mới công nghệ, Bộ KHCN đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tạo tác động tích cực làm tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho KHCN. Một trong các hướng đó là hỗ trợ DN tìm kiếm, trao đổi công nghệ, chuyên gia với nước ngoài; hỗ trợ các DN hình thành viện, trung tâm nghiên cứu để phục vụ quá trình đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì đây chưa đủ là "chỗ dựa" để DN đầu tư mạnh vào sản xuất nông nghiệp.
TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả) kiến nghị, Nhà nước cần phải hình thành cơ chế "khoán 10" trong nghiên cứu khoa học. Theo đó, Nhà nước sẽ đặt hàng và ứng tiền cho các cơ quan khoa học, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Người nhận đặt hàng được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của mình theo hợp đồng ràng buộc...
PGS-TS Lê Tất Khương cho biết thêm, vấn đề cần làm đầu tiên là đổi mới cơ chế hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo hướng thị trường hóa; xây dựng các định hướng chuyển giao công nghệ trọng điểm; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích DN thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào hoạt động chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, không ngừng xây dựng và phát triển thị trường công nghệ thông qua cơ chế kích cung - cầu công nghệ. Tạo mối liên kết giữa các DN - tổ chức KHCN - người dân nhằm huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính cho hoạt động chuyển giao công nghệ...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2012, Bộ KHCN cần đặc biệt quan tâm, sớm xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách với yêu cầu, mục đích làm sao tạo ra một môi trường, điều kiện thuận lợi để KHCN thực sự là khâu đột phá, là giải pháp có tính quyết định chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thực sự có đóng góp quan trọng cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của DN.
Rõ ràng, nếu xây dựng thành công thể chế, cơ chế, chính sách để thúc đẩy DN chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp thì "giấc mơ đổi đời" cho nông dân sẽ ngày càng đến gần hơn.