Thủ đô Hà Nội: Muôn nẻo xuân hồng

Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 26/01/2012

(HNM) - Xuân mới Nhâm Thìn, Thủ đô ngập tràn niềm vui. Người người quây quần, sum họp cùng gia đình, người đi chúc Tết, người đến tụ điểm vui chơi, người làm nhiệm vụ mang mùa xuân đến cho mọi người… tất thảy hân hoan, phấn chấn.

Xuân ơi, xuân đến rồi!

Đã qua những ngày tất bật, hối hả chuẩn bị Tết. Ấy là lúc bàn thờ gia tiên các gia đình đủ đầy nào hoa, nào quả, nào bánh kẹo ngon, nào bánh chưng vuông vức, hương trầm lan tỏa ấm cúng. Nhà nhà thức đợi khoảnh khắc Giao thừa. Chuông đồng hồ điểm thời khắc chuyển giao thiêng liêng, Mèo Tân Mão đủng đỉnh qua, Rồng Nhâm Thìn đã đến. Ông bà, bố mẹ lấy những chiếc phong bao nhỏ xinh in hình rồng tặng cho con cháu kèm lời chúc chăm ngoan, giỏi giang. Con cháu thành kính chúc phúc, chúc thọ ông bà, bố mẹ. Sau những lời chúc mừng năm mới, cả gia đình vui vầy mừng xuân.

Pháo hoa chào đón năm mới Nhâm Thìn 2012 tại Hồ Gươm. Ảnh: Viết Thành


Nhâm Thìn này, thời khắc giao thừa đối với gia đình cụ Nguyễn Đức Sửu, 109 tuổi ở xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) dường như thiêng liêng hơn mọi năm bởi trên bàn thờ gia tiên của gia đình cụ có món quà do Chủ tịch nước tặng trước thềm xuân. Trong thời khắc đặc biệt, cụ Sửu răn dạy con cháu phải biết sống có nhân, có nghĩa, có trước, có sau, tích cực lao động, học tập, trở thành những người có ích cho xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân ở Khánh Thượng.

Ngoài trời, không khí mùa xuân tràn ngập. Pháo hoa bừng sáng trời đêm trong làn mưa bụi bay bay. Đường phố Hà Nội rực rỡ đèn hoa, người người căng tràn sinh lực. Dòng chuyển động chầm chậm, xích lại gần nhau tự lúc nào ở đường Thanh Niên, hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất, hồ Văn Quán, Thành cổ Sơn Tây, sân vận động huyện Ba Vì… Muôn ánh mắt hướng lên bầu trời, màn pháo hoa tựa những vũ điệu sắc màu, như đàn chim én báo tin xuân. Những cô gái tựa vai người yêu e ấp nụ cười xinh, những em bé trên tay bố mẹ ríu rít nói cười.

Sau những phút giây hân hoan tại các tụ điểm công cộng, người về nhà, người đến chùa cầu chúc cho gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc. Sau thời khắc giao thừa, chùa Hà (quận Cầu Giấy) nhộn nhịp các bạn trẻ đến cầu duyên; chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm), chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), chùa Bối Khê (Thanh Oai)… người nối người thắp hương, lễ Phật. Miền đất Phật Hương Sơn (Mỹ Đức) trong ba ngày đầu xuân đã đón khoảng hơn 4 vạn lượt người đến chiêm bái, thưởng ngoạn. Lượng khách khá đông và phục vụ du khách trong cái rét đậm kèm theo mưa phùn buốt giá, nhưng chủ đò chở khách ở chùa Hương những ngày đầu xuân Nhâm Thìn không đòi khách phải "bồi dưỡng" hay "mừng tuổi" như mọi năm. Thái độ phục vụ du khách cũng có phần nhã nhặn, lịch sự hơn. Chị Lê Hồng Vân, đến từ xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây cho hay: "Năm nào tôi cũng đi chùa Hương lễ Phật vào mùng Hai Tết. Năm nay thấy môi trường cảnh quan sạch đẹp hơn, thái độ phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn khiến tôi thấy an lòng. Tôi hy vọng gia đình tôi nói riêng, Thủ đô, đất nước nói chung sẽ có nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc trong năm mới Nhâm Thìn".

Mang mùa xuân đến cho mọi người

Với mong muốn mang không khí mùa xuân tươi vui cho mọi tầng lớp nhân dân trong kỳ nghỉ Tết dài, ngay từ mùng Một Tết, những chú rối gỗ vô tri qua sự "phù phép" của các diễn viên phường rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm - Đông Anh) đã trở thành nhân vật vui nhộn trong các tích trò như "Lên võng xuống nước", "Trâu chui ống", "Tặng hoa ngày hội", "Rước ảnh Bác Hồ"… thu hút hàng nghìn lượt người tham dự ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Phía bên ngoài, người đến phố "ông đồ" xin chữ những ngày đầu xuân đông đúc chẳng kém chợ phiên. Người xin chữ "TÂM", người xin chữ "NHẪN", người lại xin chữ "PHÚC", tất thảy đều mong muốn những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Anh Vũ Anh Tú lặn lội từ xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) lên xin ông đồ viết cho đôi câu đối tặng bà nội xuân này vào tuổi 90 thay cho bức trướng mừng thọ in sẵn. Anh Tú cho rằng, tặng câu đối vừa ý nghĩa, vừa giữ được truyền thống, chắc chắn bà nội anh sẽ rất vui.

Người dân Thủ đô du Xuân. Ảnh: Bảo Lâm

Để mang đến những điều xưa cũ tưởng như chỉ còn trong sách vở hay trong những câu chuyện kể về Tết Hà Nội, các "ông đồ", "bà đồ" đã phải chấp nhận không có những phút giây đầm ấm bên gia đình. "Bà đồ" Trần Thị Minh Châu nhờ người thân thực hiện thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, ra phố "hầu" thiên hạ. "Nói vậy cho vui chứ thư pháp dần dần được người Hà Nội coi như một thú chơi tao nhã thời hiện đại, tôi vui lắm. Dù có phải đánh đổi nhiều thời gian hơn nữa tôi cũng vui lòng" - bà Châu vui vẻ nói.

Du xuân muôn nẻo, thi thoảng người Hà Nội lại bắt gặp những người đàn ông làng Xuân La, xã Phượng Dực (Phú Xuyên) thoăn thoắt lấy bột màu nặn nhân vật cổ tích, đào thắm, mai vàng, những món quà nhỏ bé mang lại niềm hạnh phúc giản dị cho những ai được tặng. Ít ai biết rằng, để gìn giữ nét văn hóa dân gian đẹp đẽ ấy mà năm này qua năm khác, đàn ông Xuân La phải chấp nhận xa gia đình ngày Tết. Ông Chu Tiến Công, một trong những "lão" tò he Xuân La chia sẻ: "Chúng tôi mang mùa xuân đến cho mọi người nhưng lại không mang được mùa xuân về gia đình mình. Song không vì thế mà chúng tôi buồn, ngược lại niềm vui của chúng tôi tỷ lệ thuận với số năm… không có Tết".

Khác với nội thành, mùng Ba Tết người dân ngoại thành mới bắt đầu đến các tụ điểm vui chơi. Làng, xã vang tiếng hò reo cổ vũ thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn. Riêng ở thôn Lặt, xã Yên Trung, ngày mùng Ba Tết này đồng bào Mường vào hội cồng chiêng sau nhiều năm vắng bóng. Trưởng thôn Lặt Nguyễn Thị Ước nhanh nhẹn, quyết đoán thường ngày, nay cùng Đinh Thị Năm, Nguyễn Thị Hiếu và Nguyễn Thị Miện… mặc áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng họa tiết vừa đánh cồng chiêng, vừa hát bài "Vui hội sắc bùa" và "Bông trắng bông vàng" trước ánh mắt trầm trồ, thán phục của dân làng. Tiếng cồng, chiêng vang lên lúc trầm, lúc bổng, khỏe khoắn, vui tươi báo hiệu người dân thôn Lặt năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm.
Đi giữa Hà Nội những ngày đầu năm Nhâm Thìn, đâu đâu cũng ngập tràn sắc xuân. Đất trời nở hoa, lòng người rạng rỡ. Đẹp biết bao, vui biết bao!
Cùng với Thủ đô, không khí đón năm mới Nhâm Thìn rộn ràng khắp mọi miền đất nước.

Mặc dù thời tiết lạnh buốt, hàng nghìn người dân thành phố Lạng Sơn vẫn đổ về Quảng trường Hùng Vương xem các đội văn nghệ quần chúng của tỉnh biểu diễn chương trình nghệ thuật "Mừng Ðảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới" trong những ngày Tết Nguyên đán. Bỏ lại phía sau bao nỗi lo toan, người dân thành phố Hải Phòng đón xuân trong niềm tin và hy vọng. Quảng trường Nhà hát thành phố và các con đường trên phố Cảng được trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ, đèn điện đủ màu sắc lung linh. Chương trình nghệ thuật mừng Ðảng, mừng Xuân mới với sự tham gia của các ca sĩ thành phố Cảng và các ca sĩ đến từ Thủ đô Hà Nội đã cống hiến cho nhân dân Hải Phòng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, vui tươi.

Mưa phùn nặng hạt không ngăn được dòng người đông đúc đổ về Quảng trường 3-2, thành phố Nam Ðịnh đón xuân. Sân khấu Công viên Tức Mặc và phía trước Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn rộn vang những khúc ca mùa xuân. Tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh thu hút hàng nghìn lượt người vùng lân cận đến thưởng thức. Nhiều tổ chức, cá nhân đã hành hương về Kim Liên, Nam Ðàn dâng hương hoa, tỏ lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiết trời se lạnh trong nắng vàng rực rỡ đã tạo nên nét xuân đặc biệt ở vùng đất Buôn Ma Thuột, Ðắc Lắc trong những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn. Nhà nhà, người người lên chùa xin lộc cầu may. Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức bắn pháo hoa tại Quảng trường Ngọ Môn, khu vực đường 23-8 để phục vụ nhân dân. Từ mùng Một đến mùng Ba Tết, tất cả các di tích tại Huế đều mở cửa miễn phí cho nhân dân đến tham quan…

Minh Ngọc tổng hợp

Thu Hiền