Đi chợ ngày mồng 3 Tết, giật mình vì giá… rau xanh

Kinh tế - Ngày đăng : 10:45, 25/01/2012

(HNMO) - Sáng ngày mồng 3 Tết Nhâm Thìn (tức 25/1), trong khi phía bên trong các khu chợ lớn ở Hà Nội nhiều quầy hàng vẫn đóng cửa im ỉm, tận hưởng cái Tết nghỉ dài ngày thì các khu chợ cóc mọc tự phát quanh các khu cổng chợ, các khu dân cư lại diễn ra cảnh bán buôn tấp nập.

Các khu chợ cóc, chợ tự phát họp từ sớm và khá sầm uất


Qua ba ngày Tết ngập ngụa trong bao thức ăn nhiều đạm hay những thực phẩm đông lạnh, nhiều gia đình Hà Nội muốn cải thiện bữa ăn xum họp bằng những món tươi.

Chỉ loáng cái ở những khu chợ cóc trong vòng buổi sáng những mớ rau xanh vụ đông như su hào, bắp cải, rau cần, rau cải, cải cúc… vừa được bà con nông dân vùng ven Hưng Yên, Hải Dương tranh thủ hái sớm đã hết veo.

Hàng rau xanh bán hết sớm


Các bà nội trợ cần rau gì, có rau nấy, kể cả món hoa chuối phục vụ cho món lẩu riêu cua cho đến các loại nấm. Tuy nhiên, giá rau tăng vọt khiến người mua không khỏi… giật mình. Tại chợ Gia Lâm, dứa xanh bán với giá 15 ngàn đồng/quả; rau cần 15 ngàn/mớ; hoa chuối từ 30-35 ngàn/cái…Ngay cả mớ rau muống cạn trái vụ đã ngả sang màu vàng vài cọng lèo tèo cũng bán với giá 10 đến 15 ngàn/mớ

Chị Yến, bán đậu phụ ở cổng chợ Gia Lâm cho biết, sáng ngày mồng 2 Tết một bìa đậu phụ bán với giá 5 ngàn đồng. Sang sáng nay thì giảm đi cho khách hàng 2 ngàn đồng/bìa. “Thôi thì ngày Tết, phải động viên lắm con cháu nó mới dậy sớm say đậu làm, nên giá cả có tăng thêm chút ít cũng là lẽ bình thường” – chị Yến lý giả. Cả mâm đậu phụ đầy có ngọn của chị chỉ bán loáng cái trong buổi sáng đã hết veo. Bà nội trợ nào đi muộn còn không có đậu mà ăn.

Tâm lý người mua, người bán đều thoải mái, vui vẻ


Chị Mến quê ở Văn Giang, Hưng Yên cho biết, tâm lý người nông dân cả năm quần quật vất vả, được vài ngày Tết để nghỉ ngơi nên ai cũng ngại hái rau. Nhất là năm nay Tết lại rét mướt thế này nên chẳng ai còn muốn lội chân xuống ruộng cả. Thế nên, chỉ có một vài nhà chăm lắm mới hái để mang bán sớm như vậy, thành ra lại được giá.

Trong khi giá rau xanh tăng vọt thì giá các loại cá, thịt gà, thịt lợn, thịt bò lại chỉ nhích lên chút ít. Giá thịt bò “lõi rùa” đắt nhất là 350.000 đồng/kg, thịt thăn: 300.000 đồng/kg; thịt diềm thăn: 250.000 đồng/kg. Gà làm sẵn bày ê hề bán với giá 250.000 đồng/kg. Chị Hải, nhà ở Hàng Muối, Hà Nội cho biết buổi chợ sáng nay của chị tiền rau đắt ngang với tiền thịt bò. “Tôi mua 1,7 kg thịt bò hết gần 450.000 đồng, trong khi mua các loại rau như rau muống, rau sống, cải xoong, cải thảo… cũng ngót nghét hết hơn 300 ngàn. Nhưng thôi, mua rau như vậy ăn mới tươi ngon. Có đắt một chút nhưng đại gia đình được bữa lẩu ngon cũng đáng” – chị tươi cười đúng với tâm lý mua sắm ngày Tết.

Giá thịt chỉ nhích hơn so với ngày thường chút ít


Theo ghi nhận của HNMO tại nhiều khu chợ lớn như Hôm – Đức Viên, Hòe Nhai, Châu Long… phiên chợ sáng ngày mồng 3 Tết diễn ra khá tấp nập. Từ nhiều năm trở lại đây, các bà nội trợ đã thay đổi tâm lý, không còn tích trữ rau cỏ, thực phẩm dùng cho cả tuần nữa mà chỉ mua vừa đủ ăn và đãi khách trong hai ngày mùng 1, mùng 2. Còn sang đến mùng 3, chợ đã họp khá phong phú với đầy đủ các món tươi ngon nên mọi người lại thoải mái chọn mua.

Sau một buổi chợ đắt hàng, nhiều người nông dân như chị Mến đã tranh thủ gọi điện thoại di động cho chồng con ở nhà tiếp tục ra ruộng thu hoạch rau chở lên phố bán. Với những người chạy chợ quanh năm như chị thì buổi chợ đầu năm đắt khách lại được giá như vậy là tín hiệu vui cho cả năm buôn bán may mắn. Tâm lý người mua cũng vậy, đi chợ đầu năm là chấp nhận giá cả tăng, hơn nữa cũng không muốn “cò kè bớt một thêm hai” làm gì, miễn là mâm cơm từ ngày hôm nay đã có mớ rau xanh, miếng thịt tươi.

N.Hạ